Hơn 30 năm tình viên mãn

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Bốn (SN1962) và chị Nguyễn Thị Nhung (SN1972) sống bên nhau hơn 30 năm, đã cùng nhau vượt qua bao gian truân sóng gió cuộc đời. Nay nhìn lại quãng đời đã qua, cả hai thấy tự hào với mối tình viên mãn và một cơ ngơi vững chắc, các con ngoan ngoãn, hiếu thảo, thành đạt.

Trong căn nhà xây kiên cố, khang trang, rộng rãi, lọt thỏm trong khu vườn với cây trái sum suê, gần con suối thuộc tổ 5, khu phố Phú Tân, phường An Lộc, TX. Bình Long, vợ chồng anh Bốn kể về cuộc sống gia đình hơn 30 năm qua như những thước phim quay chậm với đầy thăng trầm. Cả hai vợ chồng sinh ra tại một làng quê thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hai gia đình sống cách nhau chỉ vài trăm mét. Cuộc sống cơ cực nên anh học hết lớp 10, còn chị học hết lớp 9 thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình việc đồng áng. Tuổi thơ của anh chị lớn lên ở làng quê, rồi khi trưởng thành nảy sinh tình cảm lúc nào không hay và họ nên duyên vợ chồng vào năm 1992. Một năm sau, vợ chồng anh có con trai đầu lòng và 3 năm sau đón thêm con trai út. “Với hy vọng đổi đời, năm 1997, nhân chuyến vào Bình Phước dự đám cưới người thân, thấy nơi đây hấp dẫn nên chồng tôi đã ở lại luôn, còn mẹ con tôi đến cuối năm đó cũng vào theo” - chị Nhung nhớ lại.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Bốn hạnh phúc bên nhau

Gia đình anh Nguyễn Hữu Bốn hạnh phúc bên nhau

Tích góp được ít vốn, ngay khi đến Bình Phước, anh chị mua được hơn 1,2 ha đất, dựng căn nhà gỗ đơn sơ sinh sống rồi bắt đầu làm lụng. Lúc đầu, anh chị trồng đủ loại rau màu và đi làm thuê để có cái ăn trước mắt. Khi cuộc sống tạm ổn, anh chị trồng các loại cây công nghiệp với ước mơ làm giàu. Năm 2000, anh chị trồng tiêu, được hơn 2 năm, vườn tiêu đang xanh tốt, chuẩn bị cho trái bói thì “dính” bệnh và chết hết chỉ sau 1 tháng. Phá vườn tiêu, vợ chồng anh chuyển sang trồng điều xen cao su. Điều cho thu được 2, 3 năm thì anh chị lại cưa bỏ vì hay mất mùa, mất giá và chỉ giữ lại hơn 500 cây cao su. Nhưng rồi khi cao su cho khai thác thì giá lại “rẻ bèo” nên cạo được vài năm, anh chị chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, ổi, chôm chôm, măng cụt. “Những năm qua, khu vườn của gia đình cho thu nhập khá tốt, mỗi năm hàng trăm triệu đồng” - anh Bốn nói.

Sự thật là tình cảm vợ chồng sau một thời gian sẽ phai nhạt dần, không còn ở giai đoạn nồng nàn như thuở ban đầu. Khi đó, nghĩa tình gắn bó nhiều năm sẽ là cái níu chân nhau trước cám dỗ của cuộc sống. Nếu nói rằng vợ chồng sống bên nhau hơn 30 năm mà không có xích mích, cãi nhau thì không đúng nhưng mỗi khi căng thẳng, chồng phải biết nhường nhịn vợ và ngược lại thì mới giữ được hạnh phúc bền lâu.

Anh Nguyễn Hữu Bốn chia sẻ bí kíp giữ hạnh phúc gia đình

Anh Bốn có hàng chục năm đi khắp nơi, cả các nước châu Phi làm quản lý cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều. “Khoảng 7, 8 năm nay, tôi mới ở hẳn nhà làm vườn, còn trước đó cứ đi, về suốt. Nếu tôi và vợ không cố gắng cùng nhau vượt qua mọi thử thách thì chắc không thể hạnh phúc ngồi đây nhâm nhi nước trà” - anh Bốn chia sẻ. “Vợ chồng phải biết chấp nhận con người của nhau, kể cả ưu - khuyết điểm. Hơn 30 năm qua, chúng tôi đã trải qua mọi vui buồn, sướng khổ, nếm đủ mọi hương vị của cuộc đời. Nếu không biết gắn bó, đùm bọc, che chở, nâng niu, vun đắp, cùng nhau vượt qua khó khăn thì không thể có được niềm hạnh phúc tuyệt vời như hôm nay” - chị Nhung nói thêm.

Trước đây, dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng anh chị luôn dành hết tình yêu thương cho 2 con, uốn nắn và lo cho các con ăn học tới nơi, tới chốn. “Các con không ham chơi, đua đòi mà học tập chăm ngoan, luôn đạt thành tích khá, giỏi. Thương cha mẹ vất vả, cực khổ nên đi học về là anh em xúm vào làm việc nhà” - chị Nhung nói. Năm nay con út của anh chị 26 tuổi, có vợ và chuẩn bị sinh cháu nội. Còn con lớn năm nay 29 tuổi, sẽ cưới vợ vào giữa tháng 3 này. Cả hai người con sau khi tốt nghiệp cao đẳng ra trường đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và mỗi người đều có tài sản riêng hàng tỷ đồng.

Chị Nhung, người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cũng đã có 22 lần hiến máu tình nguyện. Chị Nhung chia sẻ: “Người bệnh đang rất cần máu để giành lại sự sống nên tôi thấy việc hiến máu rất đáng quý. Bởi mình hiến tặng chút máu, sức khỏe vẫn đảm bảo mà lại giúp cứu sống được nhiều người”.

Xuất thân từ nghèo khó nên khi có cuộc sống ổn định, anh chị cũng không quên giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn. Ngoài thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện ở địa phương, thời gian cao điểm dịch Covid-19 hoành hành, anh chị còn mua hàng trăm kilôgam gạo tặng nhiều hộ khó khăn. Với nhiệt huyết của mình, hàng chục năm qua, chị Nhung còn tham gia rất nhiều công việc xã hội, như: là đại biểu HĐND phường An Lộc; Chi hội trưởng Chi hội nữ khu phố Phú Tân, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố… “Tôi chỉ muốn góp chút công sức để phụ nữ trong vùng không bị thiệt thòi, có cuộc sống tốt hơn” - chị Nhung khiêm tốn.

Bùi Liêm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/131232/hon-30-nam-tinh-vien-man