Hơn 1.200 năm trước Khương Công Phụ đỗ tiến sĩ phương Bắc
Dù khoa bảng nước Nam lúc này chưa có, nhưng với việc hai anh em họ Khương cùng đỗ tiến sĩ và làm quan đất Bắc, được người đời sau ca ngợi.
Nước Nam ta đến thời nhà Lý, khoa cử chọn nhân tài mới chính thức khởi phát. Tuy khoa cử chính thống muộn nhưng không phải trước đó nước ta thiếu người tài. Ngay ở thời Bắc thuộc vẫn có nhiều người Việt làm quan nổi danh, thậm chí là đỗ cao trong hệ thống khoa cử phương Bắc. Trong hàng ngũ ấy, Khương Công Phụ và em là Khương Công Phục phải được xếp ở vị trí đầu tiên.
Theo Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử, trước anh em Khương Công Phụ, nước Việt có Phùng Đái Tri cũng thi đậu ở phương Bắc: “Thơ của Phùng Đái Tri làm cùng người nước Đột Quyết được vua Đường Cao Tổ (618 - 626) hạ lời khen rằng “Hồ Việt nhất gia”. Dù Phùng Đái Tri mở đầu nghiệp nghiên bút của người Việt thuở ấy thì nhân gian, chắc rằng nhớ tới họ Khương nhiều hơn.
Sấm động Trường An. Danh vang cõi Bắc
Khương Công Phụ tên tự là Khâm Văn, cha tên Định (hoặc Đĩnh), người ở thôn Cẩm Cầu, xã Sơn Ôi (Định Thành), huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Quê ông ở cạnh sông Ngọc Chùy, tức sông Cầu Chày của tỉnh Thanh. Tuy vậy Đại Nam nhất thống chí đưa thêm một tồn nghi về việc Khâm Châu chí của Trung Hoa chép tổ tiên ông vốn người Trung nguyên. Đến đời ông nội Công Phụ làm Tham quân Khâm Châu mới ra ở Tuân Hóa, rồi sau đổi sang làm Thứ sử Thư Châu. Tới đời cha ông thì sang ở Cửu Chân, nhập tịch huyện Nhật Nam thuộc Ái Châu (Thanh Hóa). Nhưng những sách khác như Đường thư - Liệt truyện, Tể tướng niên biểu, Đại Thanh nhất thống chí đều nhất nhật nói ông người Ái Châu.
Đất Yên Định quê Khương Công Phụ là vùng đất học nức tiếng xứ Thanh, khởi phát nhân tài chẳng kém gì đất Hoằng Hóa cùng tỉnh sau này. Thế nên Thanh Hóa quan phong mới có câu khen là:
Từ xưa quốc thái linh linh,
Tả long hữu hổ kéo quanh chầu về.
Còn về nghiệp học của học trò Yên Định, quả đáng để đất khác nhìn mà ngưỡng mộ khi có truyền thống:
Sĩ thời chăm việc học hành,
Một mai khoa bảng để dành công danh.
Truyền thống khoa bảng của đất này khởi từ anh em nhà họ Khương mà nên. Vốn thông minh lại sẵn sự cần cù ham học, anh em Khương Công Phụ - Khương Công Phục học hành ngày một tấn tới. Bấy giờ nhà Đường đang ở thời thịnh, khoa cử phát đạt. Người Nam do bị đè nén nên ít ai theo cử nghiệp, đường sang Bắc lại xa xôi cách trở, sự phân biệt đối xử của phương Bắc với xứ xa.
Dẫu vậy, anh em họ Khương vẫn dùi mài kinh sử. Năm Canh Thân (780) đời vua Đường Đức Tông tổ chức thi tiến sĩ, Khương Công Phụ thi đỗ tiến sĩ khoa Hiền Lương phương chính. Để tỏ rõ tài năng vượt trội của mình so với những tiến sĩ Trung Hoa, có sở trường về lối phú, Công Phụ bèn làm bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân), có đoạn:
Biển in mây mà thêm xuân; Mây soi biển mà sinh trắng.
Khi hây hây mà sáng ngời; Lúc trầm trầm mà biếc hẳn.
Bầu không mới nổi, đồng vẻ đẹp mà đều trôi; Khí biển vừa thâu, với áng trong mà chiếu bắn.
Mây vốn vô tâm mà giăng cuốn; Biển há có ý gì mà đầy vơi.
Bên thì chứa chan trời đất; Bên thì buông thả đầy trời.
Bóng dợn nước mà rung động; Hình theo gió mà đổi dời.
Soi bóng hồng mà cùng rạng; Ngang nước lục mà đều tươi.
Đọc bài thơ của ông kẻ sĩ Trung Hoa đều tấm tắc khen hay, như Việt sử tiêu án có dẫn là “người Đường khen bài ấy là kiệt tác”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư ông được vua nhà Đường để ý tới “vì có bài văn sách hơn người” nên được bổ làm Hữu thập di Hàn lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân. Em ông là Công Phục cũng đỗ tiến sĩ làm quan đến chức Lang trung.
Dự việc như thần, vua dần trọng dụng
Là người Việt làm quan nhà Đường giữa một bầy quan lại người Hán coi những đất xung quanh là Man Di, phải là tài giỏi lắm Khương Công Phụ mới được coi trọng. Khi làm quan, ông ra sức hoàn thành chức nhiệm của mình như Đại Việt sử ký tiền biên ghi “mỗi lần yết kiến, ông tâu bày rõ ràng, rành mạch, vua Đường rất trọng ông, dần dần ông làm đến gián nghị đại phu, tiến tới chức trung thư môn hạ bình chương sự”.
Nhờ Khương Công Phụ vua Đường nhiều phen thoát được họa lớn, dù có lúc tức giận vì lời khuyên thẳng mà trái tai của ông. Trong quãng đời làm quan của mình, Khương Công Phụ không kiêng nể cường quyền, thấy việc trái là thưa bẩm, thấy không hợp là ý kiến, tỉ như ông từng khuyên vua Đường giết Chu Thử vì hắn có mưu làm phản, vua Đường không nghe nhưng lời Công Phụ quả nhiên sau ứng vậy.
Không bao lâu sau lời tâu của Công Phụ thì Tràng An có loạn, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lúc ấy vua Đường Đức Tông từ vườn thượng uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa vua lại mà “can rằng: “Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được”. Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: “Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn”. Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên. Có người báo tin Thử làm phản, xin vua phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá (30 dặm), muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: “Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để cho oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm”. Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành. Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ”.
Nhờ có lời can gián của Công Phụ, thân vua Đường mới không bị hại. Ghi công của ông vua Đường thăng làm Gián nghị đại phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, như Tiền biên có ghi “Đức Tông khen ông có tài năng, cất nhắc lên làm Tể tướng”. Vua Đường lại có bài chế tặng ông có câu:
Ở ngôi tể tướng,
Hiến kế bày mưu.
Trong yên dân chúng,
Ngoài vỗ bốn phương.
Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn,
Đổi thay hóa dục cho Thánh đề thịnh trị.
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng,
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng.
Ông lại được vua Đường biệt thưởng ban cho túi gấm thêu màu đỏ như một ân tứ bậc nhất triều đình vì tài năng và đức độ ngay thẳng.
Sau này vì can vua Đường việc chôn cất công chúa Đường An làm phật ý vua, ông bị giáng chức. Đến khi Đường Thuận Tông lên ngôi, cho ông làm Thứ sử Cát Châu, tiếc là tuổi cao sức yếu, ông chưa nhậm chức thì mất, được tặng Lễ bộ thượng thư.
Dù khoa bảng nước Nam lúc này chưa có, nhưng với việc hai anh em họ Khương cùng đỗ tiến sĩ và làm quan đất Bắc, được người đời sau ca ngợi là:
Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa,
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính.
Nghĩa là:
Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa,
Nghìn năm sau cả Bắc - Nam đều kính trọng.
Ngày nay ở quê Khương Công Phụ thuộc thôn 6, làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định còn đền thờ ông để ghi nhớ một nhân tài không chỉ đất Thanh mà còn cả nước Nam trong buổi vận nước bĩ cực.