Hơi thở do bệnh gan có mùi như thế nào?

Những người bị bệnh gan, hơi thở của họ thường có mùi do gan không thể lọc một số chất độc hại khỏi máu nữa.

Để xem gan của mình có bị bệnh hay không, bạn có thể kiểm tra qua hơi thở. Hơi thở bệnh gan có những đặc trưng có thể giúp bạn nhận ra được.

1. Hơi thở bệnh gan có mùi như thế nào?

Hơi thở bệnh gan được mô tả là có mùi giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng, ngọt lạ và đôi khi giống phân.

Không giống như hơi thở có mùi thông thường (do thức ăn, vệ sinh răng miệng kém), hơi thở hôi bệnh gan xảy ra liên tục và không thể loại bỏ mùi hôi dù đã đánh răng sạch, nhai kẹo cao su, súc miệng,...

Hơi thở bệnh gan được cho là giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng, ngọt lạ (Ảnh: Internet)

Hơi thở bệnh gan được cho là giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng, ngọt lạ (Ảnh: Internet)

2. Tại sao bệnh gan gây ra hơi thở có mùi

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể bạn. Gan có chức năng làm sạch các chất thải ra khỏi máu. Gan của bạn hoạt động như một bộ lọc và chuyển đổi một số chất trong máu thành mật. Sau đó, mật đó đi vào ruột của bạn. Cuối cùng bạn bài tiết nó trong phân.

Tuy nhiên, gan không thể lọc được hết tất cả các chất như chức năng của nó khi gan không hoạt động bình thường.

Một trong những tác động chính của bệnh gan là gan có thể không lọc được các hợp chất có chứa lưu huỳnh. Chất này vẫn ở trong cơ thể bạn và tạo ra hơi thở có mùi giống trứng thối hoặc tỏi. Không chỉ qua hơi thở, bạn cũng có thể phát hiện ra mùi tương tự trong nước tiểu hoặc mồ hôi của mình.

Những bệnh gan dẫn tới hơi thở có mùi

- Suy gan

Hầu hết những người có hơi thở bệnh gan, tức là hơi thở có mùi như trứng thối, tỏi hoặc mốc đều bị suy gan mãn tính, đây là giai đoạn cuối của bệnh gan mãn tính.

Đôi khi, suy gan cấp tính cũng có thể gây ra hơi thở có mùi như đã mô tả. Suy gan cấp tính là tình trạng mất chức năng gan xảy ra nhanh chóng, tức là trong vài ngày hoặc vài tuần, thường ở người không có bệnh gan từ trước. Tình trạng này thường do virus viêm gan hoặc thuốc, chẳng hạn như acetaminophen gây ra.

Triệu chứng khác của suy gan

+ Đau bụng (đặc biệt là ở phía trên bên phải)

+ Mệt mỏi và khó chịu

+ Buồn nôn, nôn và chán ăn

+ Vàng da (màu vàng ở lòng trắng mắt và da)

+ Bệnh não gan (thay đổi trạng thái tinh thần)

+ Ngứa (da ngứa nhưng không có phát ban rõ rệt)

+ Nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu

Suy gan mãn tính còn gây ra một số triệu chứng khác như dễ chảy máu và bầm tím, những cục mỡ nhỏ màu vàng tích tụ trên da hoặc mí mắt, khó tiêu, giảm cân và mất cơ.

Hơi thở bệnh gan có thể cảnh báo suy gan (Ảnh: Internet)

Hơi thở bệnh gan có thể cảnh báo suy gan (Ảnh: Internet)

- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là tình trạng huyết áp tăng cao ở tĩnh mạch cửa và các tĩnh mạch nhỏ hơn phân nhánh từ tĩnh mạch cửa hệ thống tĩnh mạch cửa.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa là xơ gan. Vì vậy, hầu hết những người có hơi thở bệnh gan đều có cả tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy gan mạn tính. Nhưng tăng áp lực tĩnh mạch cửa có một số nguyên nhân có thể khác, bao gồm cục máu đông, suy tim mạn tính, nhiễm trùng gan gọi là bệnh sán máng và hiếm khi là ung thư gan.

Triệu chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi các biến chứng phát triển. Các triệu chứng đầu tiên đáng chú ý của tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường liên quan đến các tĩnh mạch mới, mở rộng, rò rỉ và chảy máu, chẳng hạn như:

+ Có máu trong chất nôn

+ Có máu trong phân

+ Bụng đầy hơi kèm theo tăng cân nhanh (do chất lỏng)

+ Sưng ở chân và bàn chân (phù nề)

+ Rối loạn tâm thần hoặc mất phương hướng.

3. Có thể điều trị hơi thở bệnh gan không?

Để điều trị hơi thở bệnh gan hoặc giảm mùi trong hơi thở, bạn cần làm cho gan hoạt động tốt hơn. Bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm để xem bệnh gan của bạn nghiêm trọng đến mức nào. Bạn có thể cần xét nghiệm máu hoặc sinh thiết gan.

Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị điều trị khi họ biết mức độ tổn thương gan của bạn. Một số bệnh về gan có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống như:

- Giảm hoặc ngừng sử dụng rượu

- Cắt giảm thực phẩm giàu chất béo như thịt đỏ, chất béo chuyển hóa và carbohydrate đã qua chế biến.

- Tập thể dục thường xuyên

- Ăn ít calo hơn mỗi ngày để đạt được cân nặng khỏe mạnh hơn

Bạn cũng có thể cần dùng thuốc để giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Phẫu thuật hoặc thậm chí ghép gan có thể là phương pháp điều trị tốt nhất trong những trường hợp nghiêm trọng.

Điều trị các bệnh lý về gan có thể khắc phục được hơi thở bệnh gan (Ảnh: Internet)

Điều trị các bệnh lý về gan có thể khắc phục được hơi thở bệnh gan (Ảnh: Internet)

4. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hơi thở bệnh gan, tức là hơi thở có mùi hôi như trứng thối và tỏi hay mốc, ngọt lạ là dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ. Ngay cả khi bạn đã biết mình bị bệnh gan, hởi thở bệnh gan vẫn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh của bạn đang xấu đi. Bạn cần được điều trị để giúp làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng khác.

Các biến chứng đe dọa tính mạng của suy gan mãn tính và tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể bao gồm:

- Chảy máu đường tiêu hóa cấp tính, không kiểm soát được

- Hội chứng gan thận (liên quan đến suy thận)

- Hội chứng gan phổi (liên quan đến suy hô hấp )

- Bệnh não gan (rối loạn nhận thức và vận động)

Trên đây là những thông tin về cách nhận biết, nguyên nhân và hướng điều trị của hơi thở bệnh gan. Nếu bạn thấy hơi thở có mùi hôi mà không thuyên giảm và không rõ nguyên nhân, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Clevelandclinic

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-tho-do-benh-gan-co-mui-nhu-the-nao-2024100111344449.htm