Hội nhập quốc tế về văn hóa: Khi bản sắc dân tộc gặp gỡ tinh hoa nhân loại
'Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam' và 'Việt Nam hóa văn hóa quốc tế' được xem là hai cán cân cần được giữ thăng bằng trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa.

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh giới thiệu nét văn hóa dân tộc Xơ Đăng với bà Ishiba Yoshiko, Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Lâu nay, khi nói đến quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhiều người hay nghĩ đến những sản phẩm văn hóa cụ thể là áo dài, nón lá… Thế nhưng, liệu cách tiếp cận này đã đủ chưa, hay phải gồm cả những cách tiếp cận khác để thể hiện rõ nét tinh thần, giá trị, sức sáng tạo của người Việt Nam.
Đó là vấn đề mà Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu lên tại Hội thảo toàn quốc về “Đề án đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa” diễn ra ngày 22/5 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.
Làm rõ nội hàm hội nhập văn hóa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Điểm nổi bật nhất của nhiệm kỳ này là văn hóa đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, các Ban, Bộ, ngành cụ thể hóa thành các chương trình hành động.
Trong đó, khởi đầu là việc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã diễn ra thành công sau 79 năm, kể từ Hội nghị lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với đó là các hội thảo về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; hội thảo kiến tạo chính sách, khơi thông điểm nghẽn để văn hóa phát triển…

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh: Đình Toán/Vietnam+)
Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Cùng với đó, các nghị quyết, nghị định quan trọng của Chính phủ đã tạo cơ hội để ngành văn hóa phát triển.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân, trong giai đoạn này, văn hóa đã có bước phát triển. Nhiều hoạt động được tổ chức với sự phong phú về hình thức, nội dung đã bồi đắp, phát huy những giá trị về chân thiện mỹ và lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Cùng với việc kiến tạo về mặt chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã được Bộ Chính trị giao tham mưu để cùng các cơ quan hữu quan tập trung xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
“Điều đáng mừng là trong dự thảo văn kiện lần này, văn hóa, con người đã được đưa vào một mục với những nội hàm cụ thể, rõ ràng. Qua đó, chúng ta có cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện khi được Đại hội thông qua với nhiều luận điểm mới và cách tiếp cận mới,” Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đình Toán/Vietnam+)
Theo Bộ trưởng, văn hóa Việt Nam có tính hội nhập. Văn hóa Việt Nam là dòng chảy bền bỉ của dân tộc và cũng mở cửa để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bộ trưởng khẳng định hội nhập văn hóa không chỉ là sự lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại Việt Nam ra thế giới mà còn là quá trình làm phong phú văn hóa Việt bằng cách tiếp nhận tinh thần nhân văn và tiến bộ từ các nền văn hóa khác. Đây là sự gặp gỡ hài hòa giữa bản sắc dân tộc và tính phổ quát của nhân loại.
Quốc tế hóa văn hóa không chỉ là sự lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại Việt Nam ra thế giới, mà còn là quá trình làm phong phú văn hóa Việt bằng cách tiếp nhận tinh thần nhân văn và tiến bộ từ các nền văn hóa khác. Đây là sự gặp gỡ hài hòa giữa bản sắc dân tộc và tính phổ quát của nhân loại.
Từ thực tiễn, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa sẽ cùng làm rõ khái niệm “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” và “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế,” từ đó, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực, phát triển nhân lực…
Cân bằng giữa yếu tố văn hóa và đối ngoại
Chia sẻ từ thực tiễn địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết Hải Phòng có quan hệ hợp tác quốc tế sớm và sâu rộng (hiện kết nghĩa với 26 quốc gia, có giao lưu với hơn 130 nước), thành phố xác định văn hóa là một trong những trụ cột trong định hướng phát triển bền vững, nhất là trong ngoại giao văn hóa.
Hải Phòng đặt mục tiêu tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, hướng tới trở thành “thành phố âm nhạc.” Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, việc cụ thể hóa các khái niệm và có hướng dẫn thực thi từ Trung ương sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương triển khai hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Lễ hội Hoa phượng đỏ tại thành phố Hải Phòng năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
Từ Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh cho hay Huế lâu nay được biết đến với thế mạnh ngoại giao văn hóa gắn với di sản, lấy văn hóa làm nền tảng cho phát triển xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể về nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện để địa phương có thể vận dụng sát thực tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển nguồn lực con người để đủ sức triển khai các yêu cầu hội nhập văn hóa.
Trong tham luận của mình, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Chính sách Chiến lược Trung ương cho rằng, cần có đánh giá đầy đủ về tác động của văn hóa quốc tế đến văn hóa Việt Nam, cũng như các giá trị tích cực từ bên ngoài có thể bổ sung cho nền văn hóa nước nhà.
Ông cho rằng Đề án cần lượng hóa rõ mục tiêu, cân bằng giữa yếu tố văn hóa và đối ngoại trong các giải pháp triển khai, tránh tình trạng “nghiêng” quá về một phía.

Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Huế 2024 quy tụ sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế. (Ảnh: Đinh Ngọc Liên/TTXVN)
Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận nhận định, để hội nhập hiệu quả và lan tỏa giá trị văn hóa Việt, trước hết cần có nhận thức rõ ràng và thống nhất về khái niệm “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” và “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế.”
Theo đó, quốc tế hóa là xu thế tất yếu, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, trong khi Việt Nam hóa chính là yêu cầu khẳng định bản sắc, tạo nên “bộ nhận diện văn hóa” của Việt Nam trong dòng chảy toàn cầu. Hai tiến trình này cần được nhìn nhận là hai mặt không thể tách rời.
Ông cũng cho rằng, thể chế và chính sách hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa và ngoại giao văn hóa phát triển. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực, xã hội hóa và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các thiết chế văn hóa cần được đặc biệt ưu tiên./.