Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khóa X: Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp lại tổ chức trực thuộc MTTQ
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam định hướng 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần tập trung triển khai một số nội dung như: Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời, chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2026 - 2031 của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau Đại hội Đảng các cấp.
Sáng 9/7, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029. Tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng: Dự thảo định hướng công tác Mặt trận năm 2026; Dự thảo Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031; Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Đề án số 01/ĐA-MTTQ-BTT, ngày 5/5/2015 về đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của MTTQ Việt Nam; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về thực hiện sắp xếp, sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp lại tổ chức trực thuộc MTTQ
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ nay đến hết năm 2025 và trong năm 2026, hệ thống Mặt trận tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tiếp tục sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc. Chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2026 - 2031 của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau Đại hội Đảng các cấp. Tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Sáng 9/7, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Đỗ Văn Chiến (giữa), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh Đại đoàn kết
Đối với một số hoạt động trọng tâm của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, nội dung trước tiên là nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong đó có nội dung xây dựng: Đề án Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2025 - 2029.
Hai là các hoạt động, sự kiện lớn, hội nghị, hội thảo; trong đó một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026 - 2031; Đại hội đại biểu toàn quốc của các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ 2026 - 2031; Các hội nghị về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; Các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam để cho ý kiến các nội dung công tác Mặt trận; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; một số nội dung khác theo chương trình toàn khóa, kế hoạch cụ thể.
Về một số chỉ tiêu, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực dự kiến chỉ tiêu năm 2026 gồm 9 nhóm chỉ tiêu cụ thể như: 100% cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp được phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chương trình công tác Mặt trận; Hằng quý, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên có báo cáo phản ánh kịp thời tình hình nhân dân và đề xuất giải pháp, hướng giải quyết; UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện ít nhất 3 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc, mỗi tổ chức chính trị - xã hội tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc; Mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình, phần việc tiêu biểu, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng (xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự, an toàn,…), phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; …
Tháng 5/2026: Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031
Thông tin về các nội dung cơ bản của Đề án, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026 - 2031 thực hiện phương châm kế thừa, đổi mới, sáng tạo, đột phá; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống Mặt trận các cấp trong kỷ nguyên mới.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Đại đoàn kết
Đối với việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, báo cáo chính trị cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển; quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nghị quyết đại hội đảng các cấp; khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; xác định rõ khâu đột phá, mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi, có tính đột phá; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trong công tác giám sát và phản biện xã hội, trong nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân...
Chú trọng xây dựng các giải pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, động lực cho mục tiêu phát triển đất nước, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Báo cáo chính trị cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết có tính chiến lược về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; về phát triển kinh tế tư nhân; về hội nhập quốc tế… Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện “gần dân, sát dân”, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân…
Về công tác nhân sự Đại hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết, có tư duy đổi mới và năng lực tổ chức thực hiện; bảo đảm kế thừa và phát triển; tăng cường nhân sự tại các địa bàn, lĩnh vực quan trọng; có cơ cấu, tỷ lệ phù hợp người ngoài Đảng, người dân tộc, tôn giáo, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà khoa học, doanh nhân, cá nhân tiêu biểu trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam.
Trên cơ sở kế thừa số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện nay và yêu cầu thực tiễn, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến có 500 vị Ủy viên; Đoàn Chủ tịch có 100 vị. Ban Thường trực xây dựng Đề án nhân sự UBTƯ MTTQ Việt Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, kế thừa các nội dung cơ bản của Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện nay, bổ sung những nội dung mới, đưa vào Điều lệ có tính thực thi cao, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mô hình tổ chức mới; làm rõ mối quan hệ chủ trì hiệp thương, thống nhất phối hợp hành động giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi (lần 1) sẽ được hoàn thành lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 10/2025.
Theo Đề án, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5/2026 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội. Số lượng đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ 2026 - 2031 bằng số lượng đại biểu dự Đại hội của nhiệm kỳ 2024 - 2029.