Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 6/2024

Ngày 18/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 6/2024. Với 2 nội dung chính được triển khai gồm: Thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới; thông tin tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đội ngũ báo cáo viên thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đào Xuân Dũng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng đội ngũ báo cáo viên thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu gia đình và giới - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới.

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an thành phố Hà Nội truyền đạt các thông tin liên quan đến PCCC&CNCH. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an thành phố Hà Nội truyền đạt các thông tin liên quan đến PCCC&CNCH. (Ảnh: Đinh Luyện)

PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho biết, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trên quy mô toàn cầu. Kết quả điều tra quốc gia năm 2019 trên 5.976 phụ nữ Việt Nam từ 15-64 tuổi cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì gần 2 phụ nữ (62,9%) từng có chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý.

Đáng chú ý, nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023, có 2.628 nữ và 565 nam. Chính phủ đánh giá, so với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Bạo lực là hành vi xấu, gây tổn thương đến người khác bằng hành động hoặc lời nói. Bạo lực gia đình là ngược đãi, đánh đập, gây áp lực khiến những thành viên khác trong gia đình bị tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Không chỉ thế, bạo lực gia đình còn được hiểu là sự xúc phạm, ép buộc và cưỡng chế những thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình khiến hạnh phúc tan vỡ, tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm khiến cho những đứa trẻ trong gia đình có bạo lực có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng bạo lực từ gia đình.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu gia đình và giới - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới. (Ảnh: Đinh Luyện)

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu gia đình và giới - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới. (Ảnh: Đinh Luyện)

Trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn, Ban Tổ chức đã giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Ban Tổ chức mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình.

Đáng chú ý, tại Hội nghị, đông đảo đội ngũ báo cáo viên thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cũng được Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an thành phố Hà Nội truyền đạt các thông tin liên quan đến PCCC&CNCH.

Theo đó, trên địa bàn Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ cháy nổ gia tăng, các vụ cháy thường tập chung tại các chung cư mini, hộ gia đình nhà ở kết hợp kinh doanh… gây hậu quả nghiêm trọng chưa từng có.

Phần lớn nguyên nhân xảy ra cháy nổ chính là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Trong đó rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư mini không có sự bảo trì, cải tạo, hệ thống điện đã xuống cấp. Có tình trạng treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các vật dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải... gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn... Đây chính là những hành động tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ, mỗi người dân cần có kiến thức cho các tình huống thoát nạn khi sự cố xảy ra; trang bị thêm các bình cứu hỏa, các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết; luyện tập kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn. Các khu tập thể, chung cư mini… cần tăng cường trang bị hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.

Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 6/2024. (Ảnh: Đinh Luyện)

Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 6/2024. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam cũng nhấn mạnh, để đảm bảo công tác PCCC&CNCH ngoài những tiêu chuẩn về hệ thống điện, các bình chữa cháy xách tay phải để ở nơi cố định, dễ thấy, dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị; thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn; đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp.

Hơn hết, PCCC&CNCH không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là của từng người dân. Việc tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp PCCC&CNCH sẽ giúp tạo ra một môi trường sống an toàn cho người dân.

Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy mỗi người cần tích cực tìm hiểu thêm kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoi-nghi-bao-cao-vien-thanh-pho-thang-62024-172390.html