Hội nghị ATGT Việt Nam 2023:Nghiên cứu giải pháp ngăn ngừa TNGT từ nguồn gốc phát sinh
Tại Hội nghị ATGT năm 2023, nhóm tác giả đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội đã giới thiệu cách tiếp cận theo hướng chủ động, được hiểu là các giải pháp ngăn ngừa TNGT và mức độ nghiêm trọng từ nguồn gốc phát sinh.
Tại Hội nghị ATGT năm 2023, nhóm tác giả TS. Nguyễn Văn Bích, PGS. TS. Nguyễn Quang Đạo, TS. Vũ Minh Tâm, TS. Thái Hồng Nam thuộc Bộ môn Đường ô tô - Đường đô thị, Khoa Cầu Đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có bài viết về nghiên cứu áp dụng phân loại hệ thống đường bộ theo chức năng giao thông và ứng dụng mô hình quản lý nhu cầu giao thông (TDM) trong một số lĩnh vực hoạt động nhằm thực hiện 3 tiêu chí về an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
Thông tin với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện nhóm tác giả cho biết, để đạt được mục tiêu trong Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020) của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là giảm đồng thời 3 tiêu chí: số vụ, số người bị thương và số người chết trong các vụ tai nạn giao thông có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả trình bày cách tiếp cận theo nguyên tắc "an toàn chủ động" trong trụ cột "Quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và ứng phó sau TNGT".
Đại diện nhóm tác giả cho hay, quản lý an toàn giao thông chủ động cũng được hiểu là trong công tác quản lý cần chủ động can thiệp để giải quyết vấn đề an toàn từ gốc, hay nói cách khác đi là giải quyết từ nguồn gốc phát sinh, mức độ nghiêm trọng của TNGT và đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Tuy vậy, ATGT là một phạm trù rộng và phức tạp, khó giải quyết vấn đề TNGT, ùn tắc giao thông từ gốc một cách đầy đủ, toàn diện. Một vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào để giảm được 3 tiêu chí. Phạm trù quản lý các hoạt động trong GTVT đường bộ rất rộng và đa dạng tùy theo mỗi góc nhìn.
Với quan điểm đạt 3 tiêu chí theo hướng giải quyết từ "gốc" bài báo tập trung vào 2 nội dung: Quản lý đường bộ theo chức năng giao thông và quản lý nhu cầu giao thông (TDM). Đối với 2 nội dung chính này, nhóm tác giả đã lần lượt tập trung làm rõ từ các khái niệm cơ bản, sau đó đánh giá, phân tích và đưa ra kiến nghị áp dụng cụ thể trong điều kiện Việt Nam.
Trong công tác quản lý ATGT đường bộ, để thực hiện thành công việc giảm đồng thời 3 tiêu chí (số lượng vụ, số người bị thương và số người chết trong các vụ TNGT), đồng thời giảm ùn tắc giao thông, thì có nhiều giải pháp tiếp cận để giải quyết.
Tuy nhiên, thực tế các giải pháp truyền thống hiện nay chủ yếu theo chiều hướng khắc phục do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ sinh ra TNGT và mức độ nghiêm trọng.
Dựa trên logic phát sinh tai nạn và mức độ nghiêm trọng, bắt đầu từ rủi ro, đến sự cố, đến tai nạn. Nhóm tác giả đã giới thiệu cách tiếp cận theo hướng chủ động, được hiểu là các giải pháp ngăn ngừa TNGT và mức độ nghiêm trọng từ nguồn gốc phát sinh. Ngăn ngừa từ gốc là bắt nguồn từ các xung đột, do đó, bài báo đã bắt đầu với những nghiên cứu và phân tích xung đột giữa các phương tiện giao thông (hoặc giữa phương tiện với người đi bộ).
Theo hướng này, thực tế cũng có nhiều mô hình, giải pháp có thể thực hiện, nhưng trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả đã tập trung vào hai giải pháp chính: Quản lý đường bộ theo chức năng giao thông và Quản lý nhu cầu giao thông (TDM).
Đối với hai giải pháp quản lý kỹ thuật, nhóm tác giả đã đề cập từ khái niệm, mô hình, đến những giải pháp chung luôn gắn với với mục tiêu giảm thiểu nguồn gốc phát sinh TNGT, để từ đó trực tiếp và gián tiếp minh chứng giảm đồng thời 3 tiêu chí TNGT, cũng như giảm được hiện tượng UTGT.
Nhóm tác giả kiến nghị áp dụng phân loại đường theo chức năng giao thông cho mạng lưới giao thông đường bộ ở Việt Nam và kiểm soát nội dung này trong tất cả các giai đoạn từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến quản lý vận hành. Nội dung này, ở mỗi giai đoạn, đều phải đưa ra các yêu cầu cụ thể về ATGT.
Đối với việc ứng dụng quản lý và phân loại đường bộ theo chức năng, nhóm tác giả kiến nghị tham khảo áp dụng kết quả nghiên cứu của bài báo (Bảng ma trận quy tắc đấu nối và giải pháp kỹ thuật của hệ thống mạng lưới đường bộ).
Nhóm tác giả kiến nghị áp dụng bắt buộc mô hình quản lý nhu cầu giao thông (TDM) trong chiến lược phát triển GTVT và ATGT, cũng như trong quản lý quy hoạch, thiết kế và vận hành mạng lưới giao thông đường bộ.
Ngoài ra, nhóm tác giả kiến nghị dựa trên nghiên cứu khoa học cần thể chế hóa những mô hình giải pháp then chốt và xu thế tiến bộ trong giao thông vận tải.