Hội LHPN Việt Nam gắn kết chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án của Chính phủ

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của tín dụng chính sách, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học "Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học "Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức.

Tín dụng chính sách xã hội, với sự độc đáo, sáng tạo về phương thức quản lý, sau hơn 20 năm thực hiện chương trình luôn được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chủ trương, chính sách về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới.

Đặc biệt, Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Kết luận 06) đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã đạt được những thành tựu nổi bật; tiếp tục khẳng định tính ưu việt của chính sách; được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của tín dụng chính sách; Hội LHPN Việt Nam luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực trong hành trình cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mang đồng vốn chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội. Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm của lãnh đạo Hội phụ nữ các cấp tham gia là thành viên Hội đồng quản trị, Ban đại diện cũng được đẩy mạnh qua các đề xuất chính sách tới Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tham mưu Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Đặc biệt, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; hoạt động tín dụng chính sách trong hệ thống Hội được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, của Hội.

Vì vậy, trong nhiều năm liên tục, Hội LHPN Việt Nam luôn được đánh giá là tổ chức có kết quả tốt trong hoạt động ủy thác ở cấp toàn quốc cũng như nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước.

Hội LHPN xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế

Hội LHPN xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế

Tính đến ngày 30/4/2024, Hội nhận ủy thác hơn 130 ngàn tỷ đồng, cho hơn 2,5 triệu hộ vay vốn, với tổng số tiền tiết kiệm lên tới hơn 7 ngàn tỷ đồng; số địa bàn xã trắng chỉ là 161/5.128 xã trắng của toàn quốc. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự triển khai sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ Hội các cấp; sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và NHCSXH.

Gắn kết chặt chẽ tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược, các đề án của Chính phủ

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025; Hội đã có cách làm sáng tạo, mang tính lan tỏa là chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo thuộc lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, tiểu thủ công truyền thống gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao và hướng đến sản xuất an toàn.

Hoạt động hỗ trợ mô hình sinh kế được chuyển hướng từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, các hội viên được nhận hỗ trợ có cam kết thoát nghèo và hoàn lại mức hỗ trợ được nhận ban đầu để hỗ trợ cho thành viên khác. Với cách làm này, từ năm 2018 - 2020, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng được gần 100 mô hình, thu hút trên trên 1.500 lao động nữ tham gia; trong đó có gần 1.000 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 90%); giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó có cơ hội việc làm. Trong đó, cấp Trung ương, từ nguồn ngân sách được phân bổ đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Hội LHPN các tỉnh xây dựng 37 mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo với 664 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn...

Xác định kinh tế tập thể là mô hình quan trọng góp phần giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, các hoạt động hỗ trợ mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý luôn được Hội chú trọng kết nối với các chương trình tín dụng.

Trong giai đoạn 2013 - 2015, từ nguồn lực của Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015" (Đề án 295), Hội đã hỗ trợ xây dựng 239 mô hình tạo việc làm cho phụ nữ sau 66 đào tạo nghề với 23 hợp tác xã, 133 Tổ hợp tác và 83 Tổ liên kết. Trong đó, lao động nữ chiếm 85%; tạo việc làm cho 6.754 người, gần 30% hộ nghèo, cận nghèo và trên 20% là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội cũng đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với phát triển sản phẩm OCOP theo chương trình "Mỗi làng 1 sản phẩm".

Từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã vượt qua rào cản để sản xuất và kinh doanh.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã vượt qua rào cản để sản xuất và kinh doanh.

Tham mưu thành công Chính phủ ban hành 02 Đề án

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn; Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu thành công Chính phủ ban hành các đề án có tính chiến lược, dài hơi.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, Chính phủ đã ban hành 02 đề án của Chính phủ và giao cho Hội là cơ quan chủ trì thực hiện: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01).

Từ Đề án của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án tại các địa phương, tạo cơ hội thuận tiện cho việc bố trí, cơ cấu nguồn vốn chính sách và tạo tiền đề cho việc lồng ghép tín dụng chính sách với các nguồn lực khác để hỗ trợ hộ vay vốn (63/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Kế hoạch thực hiện Đề án 939; 62/63 tỉnh có Kế hoạch thực hiện Đề án 01).

Tính sơ bộ trong 5 năm (2018 - 2023), từ các nguồn lực của Đề án 939, hơn 13,6 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua 197.140 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng, các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất.

Từ năm 2022 đến nay, trong khuôn khổ Đề án 939 và Đề án 01; đã có 775 hợp tác xã (HTX) và hơn 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý được Hội hỗ trợ thành lập; tạo việc làm tại chỗ cho trên 86% lao động địa phương; đào tạo nghề cho 48,8% lao động nữ và góp phần giảm nghèo cho 66,9% hộ gia đình tham gia HTX; 51,7% số HTX có hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh và chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn cho người dân.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương giải ngân nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương giải ngân nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ

Qua 5 năm triển khai, đã tạo được nguồn lực 323.314 triệu đồng, trong đó 215.857 triệu đồng từ ngân sách và 107.457 triệu đồng từ nguồn lực xã hội hóa.

Đặc biệt, qua tham mưu của các cấp Hội, Ủy ban nhân dân một số địa phương đã hỗ trợ nguồn vốn xây dựng Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giao ủy thác cho NHCSXH chi nhánh tỉnh quản lý, thông qua các đối tượng do Hội lựa chọn, giới thiệu vay vốn qua NHCSXH.

Điển hình như Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ủy thác 90 tỷ đồng qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phụ nữ hoạt động khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ. Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã ủy thác 3,9 tỷ đồng từ nguồn vốn của tổ chức Hội qua NHCSXH để cho vay tới các nhóm đối tượng yếu thế.

Tiên phong trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện

Bên cạnh các đề án, dự án, Hội LHPN Việt Nam cũng chú trọng gắn kết việc triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tới các đối tượng vay vốn tín dụng chính sách. Nhiều hoạt động giáo dục tài chính, quản lý tài chính đã được triển khai, giúp hộ vay có thêm hiểu biết, kiến thức về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn, hội viên, phụ nữ gửi tiết kiệm tại NHCSXH và các tổ chức tín dụng chính thức, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả vốn; qua đó, dư nợ tiết kiệm từ các tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH do Hội quản lý luôn tăng trưởng cao, chiếm 41,2% tổng dư tiết kiệm của NHCSXH.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam kiểm tra hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội

Đại diện Hội LHPN Việt Nam kiểm tra hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội

Tiên phong trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, nâng cao năng lực tài chính cho hộ vay vốn Hội đã chủ động đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp số 06/CTPH-NHNN-HLHPNVN giai đoạn 2023 - 2027, Chương trình có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy trong triển khai hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và các hoạt động giáo dục tài chính. Nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo cho phụ nữ, cho khách hàng vay vốn như: nâng cao năng lực, hiểu biết về tài chính, tín dụng, quản lý vốn vay, quản lý tài chính gia đình, tiếp cận tín dụng an toàn, tăng cường khả năng phòng tránh rủi ro cho khách hàng vay vốn của NHCSXH.

Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành đã hoàn thành việc ký kết Chương trình phối hợp. Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội đầu tiên xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch 961/KH-ĐCT). Kế hoạch đã đưa ra các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể để thúc đẩy tín dụng chính sách trong hệ thống Hội.

* Trích tham luận "Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội" tại Hội thảo khoa học "Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức ngày 2/7 tại Hà Nội.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-lhpn-viet-nam-gan-ket-chat-che-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-voi-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-de-an-cua-chinh-phu-20240703172035193.htm