Hội làng: Nơi nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa Việt
Giữa tiết trời ấm áp của mùa xuân, Nhân dân và du khách lại nô nức đi trảy hội làng. Lễ hội đầu xuân là hoạt động văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng, là một trong những loại hình di sản độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, địa phương. Thông qua đó thể hiện lòng tri ân, ôn lại lịch sử, công đức của các đấng tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Ngôi miếu Trung ở làng Bồ Vy (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) là nơi thờ thánh Nguyễn Minh Không-một vị quốc sư cao danh đức độ thời nhà Lý. Tương truyền rằng, từ xa xưa, làng Bồ Vy có vị trí chiến lược đặc biệt, người dân có tinh thần dũng cảm, vì thế nhiều cuộc tuyển chọn quân sỹ, rèn luyện võ nghệ của các bậc tướng tài được diễn ra ở đây.
Uy danh của đức Thánh Nguyễn đã phù trợ giúp nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn ruộng đất mở làng và sinh cơ lập nghiệp. Tự hào với những di sản vô giá mà cha ông đã để lại, người dân làng Bồ Vy luôn chú trọng việc giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Trong đó có việc gìn giữ và phát huy môn đấu vật trong lễ hội làng-một nét đẹp của phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Mặc dù tuổi đã cao, không còn sự tráng kiện, nhanh nhẹn của một đô vật có tiếng một thời, song mỗi ngày, ông Trịnh Duy Vỵ vẫn duy trì việc luyện tập theo 31 động tác từ ông cha truyền lại. Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến ngày làng mở hội là ông Vỵ lại thao thức, tất bật chuẩn bị mọi thứ để sới vật của làng diễn ra trọn vẹn niềm vui.
Với ông Vỵ và bao thế hệ người dân làng Bồ Vy, đấu vật không chỉ là cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời trong lễ hội làng, mà đó còn là sự gửi trao bao khát vọng của người dân về một năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh và phồn vinh. "Hội thi đấu vật được tổ chức dịp đầu Xuân trong lễ hội làng đã có từ rất lâu đời nhằm tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu Xuân, hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin của người con Bồ Vy"-ông Vỵ chia sẻ.
Ông Mai Công Bình, Trưởng Ban khánh tiết làng Bồ Vy cho biết: Hội vật ở làng Bồ Vy cũng là dịp những người con xa xứ đi làm ăn xa trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, gặp mặt người thân, bạn bè trước khi tự tin đóng khố bước vào sới vật tranh tài với tinh thần thượng võ, lạc quan. Để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương, với các đô vật ngoài địa phương, Ban tổ chức ban hành những nội quy cụ thể, lột tả được tinh thần thượng võ của người dân Bồ Vy. Trong quá trình thi đấu, các đô vật không được ra đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng của đối phương như bẻ, vặn, tấn công bằng đầu, yết hầu…
Mục tiêu của Hội làng là chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc và không quá đặt nặng tư tưởng thắng, thua. Vì thế đối với mỗi người tham gia sới vật là dịp thử sức đầu năm để mong lấy cái may mắn, sức khỏe, hanh thông trong năm mới.
Xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử. Hàng năm, mỗi độ tháng Giêng về, người dân trong xã lại nô nức đi khai hội động Hoa Lư- Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi thờ phụng vua Đinh Tiên Hoàng.
Chị Đặng Thị Hằng, một người dân xã Gia Hưng cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Ngày còn nhỏ, vào đêm giao thừa tôi luôn được mẹ đưa ra động Hoa Lư để thành kính dâng hương, nguyện cầu sức khỏe, may mắn và đạt nhiều kết quả tốt trong học tập. Lớn lên, tôi lấy chồng và công tác ở xa, công việc bận rộn. Tuy vậy, năm nào tôi cũng sắp xếp thời gian để được trở về quê đúng dịp làng mở hội. Với tôi, bóng cây gạo già rực lửa tháng Ba, tiếng trống ngày khai hội làng, không gian trầm mặc khói hương… đó là hình ảnh gợi nhớ nhất về quê hương mình. Không chỉ là sự tôn kính dành cho bậc quân vương huyền thoại, mà lớp lớp người dân địa phương đều về với lễ hội với cảm xúc thân thương, gần gũi như thể con cháu trở về đoàn tụ trong ngày giỗ của chính tổ tiên, cha ông mình vậy.
Cùng với lễ hội động Hoa Lư, đền Thung Lá, người dân xã Gia Hưng cũng háo hức chuẩn bị cho ngày khai hội đền Cát Đùn được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Theo truyền thuyết lịch sử kể lại rằng, từ thuở xa xưa, tại chốn sơn động này đã xảy ra điều kỳ thú hiếm thấy. Cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, cát trong hang núi đùn ra ngoài cửa hang. Tương truyền, hình dáng đống cát sẽ dự báo sự việc có thể xảy ra trong năm. Nếu đống cát có hình đống lúa thì năm đó mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp được mùa, nhân dân ấm no; nếu đống cát hình con đê, dự báo hiện tượng có mưa to, lũ lụt… Đến tháng 3 năm sau, cát lại bị hút hết vào trong hang động. Thấy điều lạ, Nhân dân đã lập đền thờ để thờ Chúa Sơn Lâm và Đức Cao Sơn Thành Hoàng. Đền được lập trên một hốc đá, phía dưới là hang sâu đến nay vẫn còn hiện hữu. Nơi đây, hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, đặc biệt là bộ cổ vật "Khiết Đùn từ 36 quẻ" viết bằng chữ Hán Nôm, khắc trên gỗ Thị, niên hiệu Bảo Đại Ngũ Niên.
Ông Đinh Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Các lễ hội làng đều được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Với hình thức tổ chức trang trọng, thành kính, các lễ hội đã thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng và du khách thập phương về chiêm bái, dâng lễ cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, an bình, khỏe mạnh.
Việc tổ chức lễ hội hàng năm cũng đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế-xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những di tích, danh lam thắng cảnh của đất và người Gia Hưng. Trong thời gian tới, các di tích sẽ tiếp tục được địa phương chăm lo, gìn giữ, tôn tạo, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, du lịch… để xứng với tầm vóc là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 230 lễ hội được tổ chức trong năm, có 150 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, riêng trong tháng Giêng thì có khoảng 50 lễ hội được tổ chức. Hầu hết, các lễ hội ở tỉnh ta là lễ hội làng. Để hoạt động lễ hội thực sự là hoạt động văn hóa, tâm linh ý nghĩa, là dịp về nguồn ý nghĩa của các tầng lớp Nhân dân, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lễ hội, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đảm bảo tính tôn nghiêm.
Điểm đặc sắc trong mỗi lễ hội đó là bên cạnh phần lễ trang trọng, truyền thống thì ở phần hội, nhiều địa phương đã nâng niu, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, trở thành nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Ví như, trong các lễ hội làng, huyện Kim Sơn có tổ chức bơi chải; huyện Yên Khánh, Yên Mô tổ chức các chiếu chèo, hát văn, hát xẩm…
Ngược lên vùng núi Nho Quan thì sẽ bắt gặp các trò chơi bắn cung, bắn nỏ, hát đúm của trai gái dân tộc Mường, còn người dân Hoa Lư thì sôi nổi, hào sảng với các trích đoạn cờ lau tập trận… Bởi vậy, hội làng đã trở thành nét đẹp văn hóa, là dịp mà con em địa phương, du khách thập phương chờ đợi, háo hức được hành hương về nguồn cội.
Đáng chú ý, mặc dù là lễ hội truyền thống, song hội làng còn là nơi tìm về của bao thế hệ trẻ. Khi lớp người trẻ đi lễ hội thì bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao họ còn có nhu cầu tìm hiểu sâu về những tư liệu, những câu chuyện lịch sử của di tích trên quê hương mình.
Để những ngày hội làng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích. Các xã nơi tổ chức lễ hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc bảo vệ di tích.
Đặc biệt, để xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và đã mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần giáo dục môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.