Học và làm theo Bác trong xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, phong trào học tập và làm theo lời Bác ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lan tỏa sâu rộng, không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng thực hiện. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương cần cù, vượt khó, sáng tạo… góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn.
Hiệu quả phong trào học tập và làm theo gương Bác Hồ gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lan tỏa những cách làm sáng tạo
Đã thành thông lệ, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ là nhà ông Phùng Minh Út ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đông vui như Tết. Ông Út là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và được nhiều người biết đến vì tích cực tham gia công tác ở địa phương. Sinh nhật Bác năm nay, mọi người đến nhà để cùng ông Út làm lễ báo công dâng Bác vì Gia Hòa 2 đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với phương châm "Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc", vì vậy, ngay sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2017, Đảng bộ xã Gia Hòa 2 đã tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nâng chất lượng các tiêu chí đạt được và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 0,45% (khoảng 10 hộ). Năm 2023, Gia Hòa 2 đã đạt đủ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia thực hiện. Mỹ Xuyên là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào năm 2019.
Các địa phương thuộc huyện Mỹ Xuyên tiếp tục phấn đấu và đã có bốn xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm Hòa Tú 2, Ngọc Tố, Đại Tâm và Gia Hòa 2. Mỗi xã của huyện nông thôn mới Mỹ Xuyên bình quân có hơn 220 cơ sở kinh doanh hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 65 triệu đồng/người/năm...
Những ngày giữa tháng 5, trở lại vùng đất Long Mỹ anh hùng của tỉnh Hậu Giang, nơi có Đền thờ Bác Hồ được người dân dựng lên trong kháng chiến, chúng tôi biết thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Đó là cách nuôi lươn không bùn; nuôi bò tuần hoàn; mô hình sản xuất trà mãng cầu trên vùng đất phèn; nuôi ong lấy mật… Các mô hình là minh chứng sinh động thể hiện sự cần cù, siêng năng, sáng tạo của người dân Long Mỹ luôn khát khao vươn lên.
Từ hai thùng nuôi ong ban đầu hồi năm 2016, đến nay, cơ sở của anh Trần Minh Nìm ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ có khoảng 600 đàn ong.
Anh còn có năm điểm nuôi ong khác tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giải quyết việc làm cho khoảng 10 người trên địa bàn, khoảng 100 người dân ở các tỉnh bạn. Người dân địa phương rất quý anh Nìm bởi anh luôn hết lòng giúp đỡ, chia sẻ, không giấu nghề.
Chị Lý Thị Hằng Ni, một trong những hộ được anh Nìm chia sẻ kinh nghiệm mấy năm nay, cho biết, trước đây, vợ chồng chị làm ruộng, vất vả mà thu nhập thấp, từ ngày nuôi ong, cuộc sống gia đình chị dần ổn định hơn. Lúc đầu, chị gây dựng hai đàn ong, giờ đã hơn 20 đàn.
Anh Trần Minh Nìm tâm sự: "Tôi học từ Bác cách sống chia sẻ những gì mình làm được cho cộng đồng. Hiện, biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, nếu tận dụng được nguồn hoa từ tự nhiên mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế sẽ tạo điều kiện trồng cây, gây rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên, giúp không khí trong sạch hơn"…
Tôi học từ Bác cách sống chia sẻ những gì mình làm được cho cộng đồng. Hiện, biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, nếu tận dụng được nguồn hoa từ tự nhiên mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế sẽ tạo điều kiện trồng cây, gây rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên, giúp không khí trong sạch hơn.
Anh Trần Minh Nìm
Trước đây, nông dân tỉnh Bạc Liêu sản xuất theo mô hình trồng lúa-nuôi tôm khoảng 22.000ha, năng suất lúa 4 tấn/ha, sản lượng 91.820 tấn lúa/năm; năng suất tôm khoảng 200kg/ha, sản lượng 5.440 tấn tôm/năm. Sau khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện tích trồng lúa-nuôi tôm của tỉnh tăng lên gần 35.000ha; sản lượng lúa, tôm tăng lên gấp gần hai lần.
Nông thôn trong tỉnh, nhất là các huyện vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer như Hồng Dân, Đông Hải, Vĩnh Lợi, Phước Long khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều. Những hộ nông dân mỗi năm thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng xuất hiện ngày một nhiều. Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên ở các xã, ấp trong tỉnh Bạc Liêu đã phát huy vai trò tiên phong, làm nòng cốt trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, từ phong trào học và làm theo Bác, thiết thực, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng nông thôn mới
Tỉnh ủy Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Phạm Văn Thiều cho biết, để đạt mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã và đang chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tinh thần thi đua "Cả tỉnh cùng chung tay, đồng lòng xây dựng nông thôn mới".
"Trong quá trình triển khai học tập và làm theo gương Bác Hồ, địa phương luôn gắn với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tốt, những việc làm hay ở cộng đồng dân cư, góp phần giúp chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính bền vững", đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chia sẻ.
Trong quá trình triển khai học tập và làm theo gương Bác Hồ, địa phương luôn gắn với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tốt, những việc làm hay ở cộng đồng dân cư, góp phần giúp chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính bền vững.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tỉnh Sóc Trăng hiện đã có 64/80 (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (87,5%); trong đó, có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, năm đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Hậu Giang có 37/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới và bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiêu chí bình quân là 17,7/19 tiêu chí/xã; đã có ba đơn vị cấp huyện hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là hơn 59 triệu đồng/năm, có 42/51 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 6,45% và hộ cận nghèo là 3,89%...
Thông qua việc phát động học tập và làm theo gương Bác gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 54 triệu đồng/năm. Hiện, 97% số xã có đường đến huyện, hơn 96% số đường trục xã được đổ bê-tông, thảm nhựa góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Hiệu quả xây dựng nông thôn mới không chỉ nâng cấp kết cấu hạ tầng mà còn được thể hiện bằng năng lực sản xuất của người dân, khu vực nông thôn qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Hiện, toàn vùng có hơn 1.000 sản phẩm OCOP. Đây là thành quả minh chứng cho sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của các điển hình thực hiện tốt phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm", cùng với sự trợ giúp của Trung ương, đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã và đang phấn đấu xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại.