Học thêm và câu chuyện người lớn có đang 'đánh cắp' tuổi thơ của con trẻ

Dạy thêm - học thêm vẫn luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm không chỉ phụ huynh mà còn cả xã hội. Những đứa trẻ từ sáng đến tối, hết học chính ở trường rồi học thêm ở nhà thầy cô. Để rồi, ngay cả những nhu cầu thiết yếu cũng phải 'ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương'... Liệu người lớn, chúng ta có đang vô tình 'đánh cắp' tuổi thơ của con trẻ?!

Ngoài thời gian học trên lớp, học thêm ở nhà thầy cô, mỗi bạn trẻ cần tự học, tự ôn bài ở nhà.

Thằng Thóc cháu tôi, năm nay mới vào lớp 2. Là đứa trẻ hiếu động nên khi Thóc vào lớp 1, đến trường đi học với cháu chỉ đơn giản là để được gặp nhiều bạn cùng trang lứa, vui chơi. Nhưng rồi, chỉ sau một năm học, cậu bé lên 7 tuổi đã phải thay đổi suy nghĩ của mình.

Trước đó, ba tháng hè với Thóc cũng không có nhiều thay đổi so với học chính trong năm, cũng đủ một tuần 5, 6 buổi đi học, thậm chí có ngày học hai ca. Có chăng là thay vì phải đến trường đi học thì khi đó, Thóc được bố mẹ chở đến nhà các thầy cô giáo để học thêm. Cũng vì lịch học thêm trong hè kín mít mà những “kế hoạch” nghỉ hè củaThóc bị hủy bỏ.

Nhưng bước vào lớp 2, lịch học của Thóc mới thực sự là áp lực. Từ thứ 2 đến thứ 6 dĩ nhiên Thóc học ở trường, các buổi chiều nếu không học ở trường thì Thóc học thêm ở nhà cô giáo. Thứ 7, chủ nhật Thóc cũng có lịch học thêm các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Chưa hết, nhiều buổi tối trong tuần, trong khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ thằng bé cũng có lịch học thêm. Những hôm như vậy, Thóc đều phải ăn cơm trước để bố mẹ còn kịp đưa đi. Thành thử, dù mới học lớp 2 thôi, nhưng những buổi tập trung ăn uống, vui vẻ trò chuyện cùng cả gia đình, với Thóc đã dần ít.

Đi học nhiều thế, thời gian nào dành cho việc làm bài tập ở nhà? Là mỗi buổi trưa đi học về, khi bà còn đang nấu cơm, Thóc chỉ kịp thay quần áo là đã phải ngồi vào bàn làm bài tập. Tương tự buổi chiều cũng vậy. Rồi cả những buổi tối học ở nhà cô giáo về, dù hai mắt đã díp lại thì Thóc vẫn phải ngáp dài ngồi vào bàn để hoàn thành nốt bài tập, không thể để đến ngày mai.

Lịch học kín đồng nghĩa với việc những khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của cậu bé lên 7 tuổi dần ít đi. Nhưng không chỉ riêng mình Thóc, bọn trẻ gần nhà cũng ít dần những buổi “tụ tập” vào các buổi chiều. Áp lực học hành khiến thằng Thóc mệt mỏi!

Hơn một lần nói chuyện với bố mẹ Thóc, rằng có cần thiết phải cho con đi học thêm nhiều đến thế? Mẹ Thóc băn khoăn cho biết: Mới vào lớp 2 mà kiến thức nhiều quá, nếu chỉ học ở lớp e rằng Thóc không theo kịp các bạn... Nhiều bài tập bố mẹ cũng không biết cách nào để dạy cho con, cô giáo mở lớp thì em cứ cho Thóc đi học thêm, được chữ nào hay chữ ấy.

Vấn đề là, việc học thêm nhiều dường như không làm cho kết quả học của Thóc tốt hơn, thậm chí ngược lại. Thóc thường xuyên bị điểm thấp - những điểm số khiến Thóc lo lắng, bố mẹ Thóc phiền lòng. Thậm chí, từ một cậu bé hiếu động, hay nói hay cười, giờ đây Thóc có nhiều biểu hiện chây ì, lầm lì hơn.

Trước khi học thêm thì việc học chính trên trường cần được đảm bảo kiến thức.

Trước khi học thêm thì việc học chính trên trường cần được đảm bảo kiến thức.

Lại nói, việc học chính, học thêm kín mít của Thóc không chỉ khiến thằng bé 7 tuổi mệt mỏi mà tôi cũng hiểu, phía sau đó còn là những cố gắng của bố mẹ Thóc. Ngoài các khoản đóng góp ở trường vào đầu năm học mới, giờ đây mỗi tháng, bố mẹ Thóc còn tốn gần 2 triệu tiền học thêm cho con. Con số ấy nghe thoáng qua với nhiều người có thể không lớn, nhưng với một gia đình ở khu vực nông thôn thì đó là những dành dụm, chắt chiu của người lớn. Chưa kể, chỉ hơn 1 năm nữa thôi, em của Thóc - bé Gạo cũng vào lớp 1. Những áp lực tiền bạc học hành cho con sẽ nặng hơn trên đôi vai bố mẹ Thóc...

Người xưa đã dạy: “Nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trác bất thành khí”. Trẻ con thì phải đi học, được dạy dỗ, chăm chỉ học tập... Nhưng rồi, suy cho cùng, mọi sự dạy - học chẳng phải đều hướng tới mục đích để con trẻ lớn lên, phát triển bình thường, thành người có ích. Nếu việc học thực sự khiến các con vui vẻ sẽ là điều thật tốt. Nhưng nếu ngược lại, việc học thêm quá nhiều có phải đang khiến không ít bạn nhỏ như Thóc thấy áp lực, không vui vẻ, không hạnh phúc. Trong khi đó, tuổi thơ của các con, đâu chỉ đo đếm bằng việc học nhiều, học ít.

Nghĩ đến đây tôi lại nhớ đến tuổi thơ của mình. Ngày ấy chúng tôi chỉ học một buổi trên trường, một buổi ở nhà giúp bố mẹ làm công việc nhà, rồi cả việc đồng áng, tối đến thì tự học bài. Phải đến khi lên lớp 11, khi lựa chọn khối thi đại học, tôi mới bắt đầu đi học thêm. Nhưng cũng chỉ một tuần vài buổi, còn thời gian chính vẫn phải tự đọc, tự học tại nhà. Ngày ấy còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi và đám bạn, ngoài đi học vẫn có thời gian để chơi, để tự “trang bị” cho mình những kỹ năng sống cần thiết. Còn bây giờ, cuộc sống dù đã đủ đầy hơn, những đứa trẻ như Thóc không còn phải hằng ngày “cuốc bộ” trên đường làng đến trường như chúng tôi, cũng không phải sử dụng lại những bộ sách cũ của các anh chị đi trước... Trẻ con bây giờ được bố mẹ đưa đón mỗi ngày, được mặc những bộ quần áo mới thường xuyên, được mua những món đồ chúng thích và cả được (phải) học nhiều hơn. Nhưng không rõ, chúng có thực sự hạnh phúc, vui vẻ không?!

Nói như vậy, không có nghĩa việc học thêm là sai, là xấu. Đó là một nhu cầu thực tế. Nhưng việc dạy thêm - học thêm có lẽ chỉ thực sự ý nghĩa khi đúng mục đích. Có nghĩa, khi những kiến thức cơ bản trên lớp - học chính đã được đảm bảo, việc dạy thêm - học thêm để bồi đắp, nâng cao hơn. Và điều quan trọng, việc học thêm nên chăng cần đúng đối tượng. Có nghĩa, dành cho người có nhu cầu, mong muốn thực sự. Không nên và không phải là sự “cào bằng”, đi học thêm vì sợ “con mình” không theo kịp bạn bè cùng lớp, hay vì một nguyên nhân không hay nào khác. Và dù là học chính hay học thêm, xin hãy lấy bạn trẻ - đối tượng chính của việc dạy và học làm trung tâm...

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hoc-them-va-cau-chuyen-nguoi-lon-co-dang-danh-cap-tuoi-tho-cua-con-tre-34585.htm