Học sinh trường tư vẫn được hỗ trợ học phí, tương tự như trường công
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, học sinh đi học tại các trường ngoài công lập vẫn được hỗ trợ học phí.
Thảo luận tổ tại Quốc hội đối với Dự thảo Nghị quyết về việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay, căn cứ để xác định mức đóng học phí được thực hiện theo Nghi định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP. Các địa phương khác nhau có mức thu học phí khác nhau; các cơ sở giáo dục ngoài công lập khác nhau cũng có mức thu học phí rất khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định mức/khung hỗ trợ phù hợp, thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo công bằng trong giáo dục.
“Đề nghị rà soát để bổ sung các đối tượng và các mức đúng với thực tế hiện nay và lấy số liệu năm học 2024 - 2025. Cơ quan soạn thảo cũng cần đánh giá kỹ hơn về khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đặc biệt là các địa phương khó khăn”, bà Hương nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi)
Hoàn toàn ủng hộ mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chính sách miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định) nhấn mạnh đây là một chủ trương rất ý nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ của Việt Nam: mọi trẻ em, học sinh đều không bị gặp rào cản về tài chính khi đến trường. Chính sách này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa nhiệm vụ “giáo dục bắt buộc 9 năm” mà Bộ Chính trị đã đề ra.
“Việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho hàng chục triệu gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai”, bà Quỳnh nói.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cần làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập, bởi dự thảo mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì.
Đại biểu nêu rõ: “Trong thực tế, học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng. Nhiều trường tư thục thu mức học phí tương đương trường công, nhưng cũng có trường chất lượng cao thu học phí rất cao. Do vậy, để đảm bảo công bằng và hiệu quả ngân sách, đề nghị nghị quyết giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập”.

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định)
Trên cơ sở đó, đại biểu Quỳnh gợi ý đó là mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập. Với cơ chế này, học sinh trường tư sẽ được Nhà nước hỗ trợ tương đương như khi học trường công, phần chênh lệch (nếu học phí tư thục cao hơn) thì phụ huynh tự chi trả.
Không lo trường công quá tải
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục cho biết đối với khối công lập, mục tiêu là học sinh đến trường không phải đóng học phí. Vì vậy, số học phí mà học sinh phải đóng hiện nay, ngân sách nhà nước sẽ chi để hỗ trợ cho các trường công để học sinh không phải đóng. Còn đối với khối ngoài công lập sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục. Theo đó, học sinh đi học tại các trường ngoài công lập vẫn được hỗ trợ mức học phí. Chính phủ tính toán khoản hỗ trợ đó sẽ hỗ trợ thẳng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra kiến nghị nên cấp trực tiếp cho gia đình học sinh để đảm bảo công bằng hơn.
“Đại biểu có đề nghị Chính phủ quy định chi tiết mức hỗ trợ này, thì hiện nay nghị quyết giao cho HĐND tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định mức hỗ trợ cho học sinh khu vực ngoài công lập. Trong báo cáo thẩm tra, chúng tôi cũng thể hiện quan điểm, đề nghị Chính phủ lưu ý đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, khi thực hiện các chính sách này có thể có những khó khăn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ”, ông Vinh nêu.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng sau khi miễn, hỗ trợ học phí, học sinh tại trường công sẽ không quá tải, bởi tỷ lệ học sinh ở trường công vẫn chiếm đa số. Trong khi đó các trường tư thục đã khẳng định được uy tín, chất lượng nên sẽ không có tình trạng học sinh đổ dồn vào trường công.
"Đối với các trường ngoài công lập ở khu vực thủ đô, các trường cũng chịu khó đầu tư, có uy tín. Có nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hàng năm hồ sơ xếp hàng cũng hơi nhiều", Bộ trưởng Sơn cho biết.
Bộ trưởng cũng khẳng định, ngành giáo dục thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm một việc rất quan trọng là tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, "không có xếp hàng đổ cửa" như trước. Đây cũng là tiến bộ của giáo dục thủ đô.
Về việc miễn, hỗ trợ học phí đối với các trường thuộc khối giáo dục đặc biệt, trường chuyên, trường trong các đơn vị giáo dục, theo ông Sơn, trong Luật Giáo dục đã quy định cụ thể về các trường chuyên biệt, trường năng khiếu, bởi đây là những trường bồi dưỡng nhân tài, chuẩn bị nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Học sinh học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, học phổ thông trong các trường cao đẳng, các học sinh cũng thuộc đối tượng miễn học phí được nêu trong dự thảo nghị quyết.
Về mức hỗ trợ đối với học sinh ở các trường ngoài công lập, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ xác định mức hỗ trợ bao nhiêu đối với trường công, thì cũng hỗ trợ mức tương tự đối với học sinh tại trường ngoài công lập.
Bộ trưởng cho biết Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp đối với trường công lập. Đối với học sinh ở trường ngoài công lập, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người học.