Video: Học sinh vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại TP.Quy Nhơn
Vụ tai nạn thương tâm ngày 13/3 giữa xe đạp điện và xe cẩu tải trên địa bàn huyện Hoài Ân, Bình Định làm 2 em học sinh thương vong khiến nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng trước thực trạng học sinh tham gia giao thông và vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. (Ảnh cắt từ Clip)
Theo ghi nhận của Phóng viên VTC News tại một số điểm trường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, Bình Định: THPT Trưng Vương, THPT Hùng Vương, THCS Ngô Văn Sở.... rất nhiều học sinh điều khiển phương tiện mô-tô, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định khi điều khiển xe mô-tô dung tích trên 50 cm3.
Khuôn viên Quảng trường Chiến Thắng trở thành bãi để xe của học sinh trường THPT Trưng Vương, chủ yếu là xe mô tô có dung tích trên 50 cm3.
Vỉa hè hai bên trường THPT Hùng Vương cũng trở thành điểm trông giữ xe, trong đó đa số là xe của học sinh trường này.
Tại các điểm giao nhau khu vực gần các điểm trường có rất nhiều đèn giao thông, nhưng học sinh điều khiển phương tiện có dung tích trên 50 cm3 vô tư vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm.
Ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện đi hàng hai, hàng ba. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.
Ông Đỗ Kim Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết, hiện tại học sinh của trường sử dụng xe gắn máy và xe máy điện rất nhiều. Hàng tuần, nhà trường đều nhắc nhở, giáo dục học sinh phải chấp hành quy định của nhà trường và luật an toàn giao thông. “Học sinh đi xe mô-tô có dung tích trên 50 cm3 để ở ngoài trường tôi có biết và đã triển khai cho Ban chấp hành Đoàn đi kiểm tra thường xuyên nhưng không phát hiện được học sinh nào để xử lý”.
Ông Võ Kế Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho hay, nhà trường có phối hợp với gia đình, cơ quan công an địa phương chấn chính việc học sinh điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, đi xe mô-tô có dung tích trên 50 cm3… nhưng vẫn chưa triệt để.
“Hiện tại nhà trường gặp 2 khó khăn. Thứ nhất là nhà của các học sinh quá xa, có những em nhà cách trường hơn 10 km. Thứ hai là học sinh quá đông, hiện tại trường có 2500 học sinh. Các trường khác tối đa chỉ có 40 lớp nhưng trường có 60 lớp, đó cũng là gánh nặng trong công tác quản lý chung của nhà trường”, ông Phương cho biết.
Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho biết, đã có nhiều văn bản chỉ đạo các trường giáo dục cho học sinh nghiêm túc thực hiện luật giao thông.
“Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh nắm bắt pháp luật, tham gia giao thông đúng luật. Phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố trong việc xử phạt học sinh vi phạm ATGT, em nào vi phạm, nhà trường sẽ tổ chức kiểm điểm và có thể hạ bậc hạnh kiểm nếu cố tình vi phạm”, ông Tuấn nói.
Việc điều khiển các phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, không chấp hành luật an toàn giao thông là nguyên nhân của nhiều hệ lụy đáng tiếc. Có những em tử vong vì tai nạn giao thông đã khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương, xót xa.
"Để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đúng độ tuổi thì cùng với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của nhà trường, các cấp, các ngành, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi mua xe, giao xe cho con. Khi bố mẹ nghiêm khắc, không dung túng, không tạo điều kiện cho con có phương tiện để vi phạm thì tình trạng người trẻ điều khiển phương tiện không đúng độ tuổi quy định sẽ giảm", anh Nguyễn Văn Kiều, một người dân sống gần trường THCS Lê Hồng Phong bày tỏ.
Phạm Viên