Học sinh nghiên cứu khoa học 'cao siêu' hơn sinh viên?
Trong vài tuần gần đây, các tỉnh bắt đầu công bố kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông để chọn ra các dự án dự thi cấp quốc gia. Nếu so với cuộc thi tương tự của sinh viên, độ phức tạp của các dự án học sinh lại vượt xa khiến người ta phải đặt câu hỏi về thực chất của cuộc thi.
Vài năm gần đây, mỗi lần Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, dư luận lại đặt câu hỏi về tính thực chất của các giải thưởng.
Sở dĩ câu hỏi này cứ lặp đi lặp lại vì thử điểm qua kết quả sẽ thấy khá nhiều dự án phải dùng chữ “cao siêu” mới đủ sức diễn tả nếu so với trình độ học sinh phổ thông và điều kiện phòng thí nghiệm dùng để nghiên cứu ở trường học.
Chẳng hạn trong 12 dự án đạt giải Nhất cuộc thi năm học 2021-2022, có những đề tài như “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt trên chuột nhắt trắng” hay “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi”…
Có một điều khá lạ là qua năm học 2022-2023, danh sách dự án đạt giải bỗng nhiên trở thành “bí mật”, không còn xuất hiện kèm theo bản tin về lễ trao giải trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo như các năm trước đó. Không chỉ có website của bộ mà trong bản tin của nhiều tỉnh cũng chỉ đề cập số lượng giải thưởng học sinh tỉnh nhà đạt được nhưng không có tên dự án.
Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn khác nhau đã được kiểm chứng thì 11 giải Nhất năm học 2022-2023 cũng không khác về độ “cao siêu” so với trước đó. Có thể thấy điều này qua một số dự án như “Thiết bị hỗ trợ phục hồi nhóm cơ vận động và một số giác quan cho trẻ bại não thể co cứng”, hay “Hệ thống giám sát, định hướng thoát hiểm khỏi đám cháy bằng máy bay không người lái ứng dụng mạng nơron nhân tạo trong xử lý hình ảnh nhiệt”.
Trong năm học 2023-2024 này, chỉ qua kết quả đạt giải ở vòng thi cấp tỉnh cũng đã có những dự án có độ phức tạp cao như “Nghiên cứu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng bột, trà và cao bào chế từ lá xoài non”, “Robot vệ sinh pin mặt trời quy mô công nghiệp”, “Thiết bị cảnh báo ngủ gật cho tài xế lái xe” hay “Màng sinh học kiểm tra độ tươi của thực phẩm”….
Trong khi đó, danh sách 85 đề tài vào vòng chung khảo Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2023 được công bố trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thấp hơn hẳn nếu so với kết quả cuộc thi cho học sinh phổ thông cũng do chính bộ này tổ chức.
Đọc qua danh sách này có thể thấy khá nhiều đề tài từ thực tế nghiên cứu và của sinh viên như “Cơ chế kháng và mối liên hệ kiểu gen của các chủng trực khuẩn mủ xanh kháng Carbapenem được phân lập từ ba bệnh viện lớn ở Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015”, “Nghiên cứu biến đổi nồng độ lactat máu và mối liên quan với tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy đa tạng”, “Nghiên cứu thu nhận bột từ vỏ quả sầu riêng giống Ri6 và định hướng ứng dụng trong chế biến thực phẩm”…
Chưa hết, trong khi học sinh phổ thông nghiên cứu máy bay không người lái hay robot thì sinh viên lại thiết kế những sản phẩm đơn giản hơn nhiều như thiết bị tự động chống cháy nổ xe máy của nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hay giàn phơi tự động thu – kéo quần áo khi trời mưa của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.
Đây là các sản phẩm được nhà trường chọn lọc, giới thiệu và cả tham dự một số cuộc thi. Cảm nhận của người viết khi xem video các sản phẩm thực tế này của sinh viên là thiết kết vẫn chưa có tính ứng dụng thực tế cao, chỉ mới dừng lại ở mức độ minh họa ý tưởng.
Với điều kiện phòng thí nghiệm, nhà xưởng và giáo viên hướng dẫn đều hơn nhiều mặt nhưng sản phẩm của sinh viên chỉ ở mức độ như vậy, không rõ học sinh phổ thông làm sao có thể nghiên cứu ra những dự án “cao siêu” mà có người xem qua phải đánh giá là đạt mức trên đại học?
Trước những ý kiến phản biện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn cách không công khai danh sách đạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học vừa qua trong bản tin. Phải chăng chính ban tổ chức cũng thấy rằng kết quả các dự án cao siêu đến mức khiến nhiều người khó tin khi họ so với cuộc thi cấp đại học?
Nếu quả tình các cuộc thi nói trên là đúng thực chất và đúng trình độ của học sinh phổ thông thì thiết nghĩ, các nhà tổ chức nên có những công bố chứng minh sự đúng đắn của những kết quả đó để đánh tan những suy đoán, nghi ngờ của dư luận.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoc-sinh-nghien-cuu-khoa-hoc-cao-sieu-hon-sinh-vien/