Hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer
Hằng năm, vào dịp Hè, hầu hết các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Trà Vinh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long) đều tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh địa phương tham gia. Hoạt động này vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giúp các em học sinh người Khmer có thêm sân chơi bổ ích, thiết thực trong dịp Hè.

Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Salavana vào dịp nghỉ Hè. Ảnh: Mỹ Xuyên
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh (cũ) cho biết, mỗi năm học, địa phương có trên 100 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer với hơn 800 lớp, gần 19.000 học sinh. Riêng năm học 2024-2025, trên địa bàn có 125 trường học dạy chữ Khmer cho gần 36.000 học sinh; trong đó, cấp tiểu học có 80 trường, trung học cơ sở có 41 trường, trung học phổ thông có 4 trường.
“Bên cạnh dạy chữ Khmer tại các trường học, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn tổ chức hơn 900 lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer miễn phí tại các điểm chùa; có trên 800 sư sãi, À cha, người có uy tín trong đồng bào Khmer, thông thạo tiếng Khmer giảng dạy, thu hút hơn 20.000 học sinh theo học. Đặc biệt, các cơ sở tôn giáo có tổ chức lớp học bổ túc văn hóa tiếng Khmer được hỗ trợ sửa chữa bàn ghế cũ, bảng, mua sắm, bổ sung bàn ghế để đáp ứng nhu cầu học tập. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã cấp hỗ trợ hơn 1.700 bộ bàn ghế cho các điểm chùa tổ chức dạy và học trong dịp Hè” - bà Bạch Vân nói.
Cũng trong dịp này, nhiều ngôi chùa trên địa bàn mở các lớp học dành cho con em người Khmer. Một ngày mới bắt đầu ở ngôi chùa Salavana (Tà Ớt), ấp Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (nay là ấp Xóm Lớn, xã Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Long) không chỉ có tiếng tụng kinh, mà còn có tiếng trẻ đọc bài. Đến với lớp học, có những em mới vào lớp 1 đến những em đang học trung học cơ sở, lứa tuổi khác nhau nhưng các em có điểm chung là ham học.
Đối với dân tộc Khmer, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, mà còn là nơi dạy học, giáo dục đạo đức, nhân cách sống... Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa của các nhà chùa, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer. Thượng tọa Thạch Lệ, Sư cả chùa Salavana chia sẻ: “Hè năm nay, chùa mở 4 lớp học từ lớp 1 đến lớp 3, các lớp học chia làm 2 ca: 13-15 giờ và 15-17 giờ hằng ngày, do 5 vị sư giảng dạy. Đến chùa học chữ đã là nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer từ nhiều năm nay. Bên cạnh hướng dẫn các em đánh vần, tập viết, các nhà sư còn dạy các em điều hay lẽ phải, làm theo lời Đức Phật Thích Ca để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt”.
Các lớp học thường kéo dài khoảng 2 tháng; mỗi tháng, các em được nghỉ 4 ngày. Trước khi kết thúc, các em được tổ chức thi và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, chứng nhận lên lớp để tiếp tục học vào Hè năm sau. Em Thạch Rô Nây, học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (nay là xã Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Đây là kỳ nghỉ Hè thứ 3 em tham gia lớp học tiếng Khmer tại chùa Salavana. Em rất vui và tự hào về điều đó. Đến chùa, ngoài việc được dạy đọc, viết chữ Khmer, em và các bạn còn được các sư truyền dạy phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc mình".
Là một người nặng lòng với con chữ của dân tộc Khmer, À cha Thạch Sị Vông, ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (nay là xã Hưng Mỹ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Giữ được chữ viết và tiếng nói đồng nghĩa với việc giữ được cái “hồn” của văn hóa dân tộc. Dạy chữ Khmer là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau, là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer”.
Việc đưa tiếng Khmer vào dạy tại các điểm chùa giúp con em đồng bào Khmer hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, mở rộng hiểu biết và trân trọng giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình. Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Sư cả chùa Kom Pong, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh (nay là phường Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long) nói: “Những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer tại các điểm chùa, trường học trong tỉnh luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử cả về tinh thần cũng như hỗ trợ kinh phí giảng dạy. Các sư sãi trong chùa vận động bà con cho phép con em mình được tham gia các lớp học chữ Khmer vào dịp Hè, trở thành phong trào học tập mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer”.
Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long), để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, chính quyền địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư thực hiện các chương trình, dự án. Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi với những chính sách ưu đãi đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Khmer.
“Chính quyền địa phương cũng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy chữ Khmer. Hằng năm, duy trì các lớp học tiếng Khmer trong các chùa để nâng cao khả năng nói, viết và ngữ pháp của con em người Khmer” - ông Nguyễn Quỳnh Thiện nói.