Hoành tráng 'pháo đài lửa' của Việt Nam khiến Mỹ 'bạc mặt'

Cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, bến phà Long Đại ở Quảng Bình, ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh... là những 'tọa độ lửa' nổi tiếng, nơi hứng chịu bom Mỹ với cường độ cực lớn thời kháng chiến chống Mỹ.

1. Bắc qua sông Mã ở vị trí cách thành phố Thanh Hóa 4 km về phía Bắc, cầu Hàm Rồng là một di tích lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cầu được xây dựng năm 1904, bị phá hủy trong chiến sự năm 1946. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng, khánh thành ngày 19/5/1964.

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng, là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cây cầu đã trở thành trọng điểm của cuộc đấu tranh bảo vệ giao thông. Không quân Mỹ đã liên tục đánh phá cầu với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau.

Tại hai đầu cầu có hai hòn núi chắn nên cầu rất khó bị bom đánh trúng. Máy bay Mỹ khi cắt bom xuống cầu phải bay theo một hướng bắt buộc và phải đối mặt với lưới lửa bắn đón của các lực lượng phòng không bảo vệ cầu.

Đến năm 1972, không quân Mỹ áp dụng bom điều khiển bằng laser đã đánh trúng và lần đầu tiên làm tê liệt cầu Hàm Rồng. Năm 1973 cầu được khôi phục lại. Theo thống kê, người Mỹ đã mất hơn 100 máy bay các loại mới thực hiện được ý đố của mình.

2. Nằm ở địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, bến phà Long Đại nổi tiếng là một "tọa độ lửa", nơi đế quốc Mỹ thả quả bom đầu tiên trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1965 đến 1972.

Nằm trên trục đường chiến lược 15, trong suốt cuộc kháng chiến, bến phà là yết hầu trên tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nhân lực vượt sông vào miền Nam. Do vậy, nơi đây bị Mỹ - sử dụng máy bay B-52, pháo kích, hạm tàu trút xuống hàng vạn tấn bom để ngăn chặn hoạt động chi viện từ miền Bắc.

Với tinh thần yêu nước và sự quả cảm, lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng với dân quân du kích và nhân dân trên địa bàn đã kiên cường bám trụ tại bến phà, dũng cảm đánh trả máy bay, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, kiên quyết thông đường, thông tuyến.

Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh anh dũng tại bến phà, tháng 7/2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Kể từ đó, nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ để du khách thăm viếng, tri ân trên tuyến đường Trường Sơn ở Quảng Bình.

3. Ngày nay, khi viếng thăm khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nhiều người không khỏi lặng người khi chứng kiến hình ảnh một bãi đất rộng lớn chi chít hồ bom ở nơi đây.

Là đầu mối giao thông quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh, ngã ba Đồng Lộc đã hứng chịu hàng vạn quả bom Mỹ trong gian đoạn chiến tranh Việt Nam. Dù diện tích nhỏ nhưng mỗi ngày nơi đây phải hứng chịu hàng chục đợt oanh kích từ các máy bay ném bom của Mỹ.

Tính trung bình, trong suốt thời kỳ chiến tranh, mỗi mét vuông đất ở ngã ba Đồng Lộc phải gánh 3 quả bom Mỹ. Ngày 24/7/1968, một trong những quả bom như vậy đã giết chết 10 cô gái thanh niên xung phong. Các cô hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn chưa lập gia đình.

Có đến ngã ba Đồng Lộc để tận mắt chứng kiến những tàn tích chiến tranh đáng sợ mới cảm nhận được phần nào những đau thương, mất mát của một thời đạn bom, khói lửa...

Mời quý độc giả xem video: Lược sử cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/hoanh-trang-phao-dai-lua-cua-viet-nam-khien-my-bac-mat-1376406.html