Hoành Bồ: Nhân rộng mô hình trồng cây gỗ lớn

Với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp chiếm trên 80,6% diện tích đất tự nhiên, trồng rừng được xác định là tiềm năng, thế mạnh lớn nhất của Hoành Bồ. Trong định hướng phát triển của huyện thời gian qua và những năm tiếp theo, rừng vừa đóng vai trò quan trọng, then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó việc khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình trồng cây gỗ lớn là một giải pháp tích cực.

Huyện Hoành Bồ được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh vì có diện tích rừng lớn, đặc biệt là có hồ Yên Lập, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Theo thống kê, hiện diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện chiếm trên 77%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,4%, cao hơn so với trung bình chung của tỉnh là 17,97%. Tuy nhiên, hiện nay diện tích rừng đã giao cho các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất chủ yếu trồng keo lấy gỗ, vòng tuổi cây từ 5-7 năm, sau đó khai thác đồng loạt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thái, xói mòn, đất bạc màu, ảnh hưởng đến khả năng sinh thủy của rừng khiến việc tích nước của các hồ chứa, sông suối không đảm bảo.

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển rừng bền vững, thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, một trong những giải pháp quan trọng mà huyện đề ra là tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn và trồng giống cây rừng bản địa (đinh, lim, sến, táu, dó bầu, dổi, vối…). Giải pháp này góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, bởi các cánh rừng gỗ lớn, đặc biệt là rừng trồng các cây bản địa cung cấp lượng lớn khí ôxy cần thiết cho sự sống, làm trong sạch không khí, bảo vệ và cải tạo đất, điều hòa dòng chảy…

Gia đình ông Triệu Tài Cao, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, là hộ đi đầu trong việc trồng cây gỗ lớn không chỉ tại huyện Hoành Bồ mà còn trong toàn tỉnh. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc diện tích rừng của gia đình ông Cao hiện có đến hàng trăm cây gỗ lim phủ xanh cả quả đồi rộng. Không chỉ vậy, ông còn trồng 3.000 cây dó bầu, cùng các cây gỗ quý như dổi, trám, sến, táu, vàng tâm... Với diện tích rừng này đã tạo cảnh quan, dưỡng khí trong lành cho dân cư xung quanh và đặc biệt là nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, ông Cao cũng trồng thêm các giống cây thuốc, như: Trà hoa vàng, ba kích, tre, nứa… dưới tán rừng tự nhiên để lấy ngắn nuôi dài. Những loại dược liệu sống dưới tán rừng tự nhiên đã cho gia đình ông nguồn thu đáng kể, giúp kinh tế gia đình ổn định. Qua những hiệu quả mang lại từ trồng rừng gỗ lớn, cách làm của gia đình ông Triệu Tài Cao cũng được các hộ dân trong xã làm theo.

Anh Đặng Minh Hưng, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, chia sẻ: Hiện tại gia đình tôi có trên 5ha rừng trồng cây dó bầu, bên cạnh đó là xen canh các cây dược liệu dưới tán rừng. Tôi thấy, việc trồng cây gỗ lớn là rất thiết thực để đảm bảo sinh kế lâu dài cho những hộ dân sống dựa vào rừng và cũng là để giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững cho thế hệ sau này…

Trồng rừng gỗ lớn là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường và phát triển rừng một cách bền vững.

Để khuyến khích các hộ trồng rừng chuyển đổi sang mô hình trồng cây gỗ lớn, huyện Hoành Bồ đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Huyện cũng đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch 3 loại rừng; hoàn thành quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Hoành Bồ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khuyến khích người dân phát triển sản xuất, kinh doanh cây lấy nhựa, cây gỗ lớn. Riêng năm 2018, huyện đặt ra chỉ tiêu chuyển đổi 200ha rừng trồng cây lấy gỗ ngắn ngày sang rừng trồng cây lâu năm. Qua đó, huyện đã tập trung tuyên truyền đến các hộ dân những lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường tự nhiên từ việc trồng rừng gỗ lớn; chính sách của tỉnh về cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn, với mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ha tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới theo quy định hiện hành; mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha tại các địa bàn còn lại. Để được hỗ trợ, người sản xuất phải cam kết quy trình sản xuất ổn định, không khai thác cây trồng trước thời gian hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn quy định đối với trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, trên thực tế do trồng rừng gỗ lớn thời gian thu hồi vốn dài, điều kiện kinh tế của người dân trồng rừng trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn nên chủ trương này chưa thực sự được người dân trên địa bàn quan tâm.

Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn, huyện Hoành Bồ có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng; tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất vùng khó khăn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 để phát triển kinh tế vùng đệm rừng phòng hộ góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai tốt việc giao đất, giao rừng để người dân chủ động phát triển kinh tế gắn trách nhiệm bảo vệ rừng.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201811/bao-ve-va-nang-cao-chat-luong-moi-truong-tu-nhien-hoanh-bo-nhan-rong-mo-hinh-trong-cay-go-lon-2408435/