Hoàn thiện chính sách bảo vệ

Trước diễn biến phức tạp về tình trạng trẻ em nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng bị bạo lực, xâm hại tình dục trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia về giới đều cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với những người yếu thế trong xã hội, pháp luật cần chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Chế tài xử lý đối với các trường hợp có hành vi bạo hành, xâm hại tình dục trẻ khuyết tật cũng cần nghiêm khắc, có tính răn đe hơn.

Tập huấn kỹ năng phòng tránh và đối phó khi bị bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại Ba Vì

Tăng cường nhận thức

Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có bốn người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi. Trong đó có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm chín tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi.

Cần phải khẳng định, những hậu quả tác động tới nạn nhân thường rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của họ.

Từ thực tế này, trên góc độ pháp lý, luật sư Lê Hải Yến cho rằng cần sớm rà soát hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực tình dục và liên quan; sửa đổi, bổ sung một cách thống nhất các khái niệm liên quan nhằm nhận diện rõ, đầy đủ, thống nhất hành vi bạo lực tình dục.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần xem xét tính phù hợp của các chính sách hiện hành, sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết, đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và khả thi nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực tình dục nói chung. “Cần nghiên cứu lồng ghép những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với nạn nhân/ người bị hại là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tât trong một số văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực tình dục.

Nghiên cứu bổ sung quy định về đảm bảo người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đối với phụ nữ, trẻ em gái dạng khuyết tật nghe nói là nạn nhân bạo lực tình dục trong quá trình tiến hành các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Đặc biệt, cần quy định vị trí Người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu là một vị trí việc làm bắt buộc trong cơ sở trợ giúp xã hội…” - luật sư Lê Hải Yến góp ý.

Theo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay, pháp luật vẫn còn nhiều “khoảng trống” dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác xử lý các tội phạm xâm hại tình dục. Ví dụ như: Chưa quy định chế tài hình sự đối với việc dâm ô, quấy rối tình dục đối với người phạm tội nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên, nạn nhân là người khuyết tật; Quy định “bộ phận kích thích tình dục” quy định tại Thông tư liên tịch số 01 năm 1998 của liên ngành tư pháp trung ương rất khó để áp dụng thống nhất.

Đến nay, Thông tư này cũng đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành văn bản thay thế; Mức xử phạt hành chính đối với hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” (Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013) được đánh giá là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với người có hành vi này; Chưa có quy trình giám định pháp y đặc biệt đối với các vụ án xâm hại tình dục đối với người khuyết tật nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, nguyên vẹn của chứng cứ…

Trên cơ sở này, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng bên cạnh bổ sung những quy định pháp luật và chính sách đặc thù đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật thì các chính sách hỗ trợ, bảo vệ đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật trong phòng và chống bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm cả bạo lực tình dục) cần được thể hiện lồng ghép vào nội dung luật liên quan như Luật Bình đẳng giới 2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, Luật phòng chống mua bán người 2011, Luật Người khuyết tật 2010, Luật Hôn nhân- gia đình 2014… quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành những luật nói trên.

Tạo lập không gian an toàn

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có thể thông qua việc nâng cao nhận thức và trao quyền để nhóm đối tượng này trở nên độc lập hơn nhằm bảo vệ quyền của họ. Đặc biệt, thông qua việc thiết lập một mạng lưới hỗ trợ để bảo vệ và ngăn chặn bạo lực tình dục đồng thời tăng cường khung pháp lý và các chính sách… cũng góp phần trực tiếp loại bỏ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Các chuyên gia khuyến cáo, với những người khuyết tật, để bảo vệ khỏi bị xâm hại, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình. Chẳng hạn, trẻ khiếm thính chúng ta trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục thông qua ngôn ngữ ký hiệu còn có thể học bằng tranh, ảnh, video hay qua chính hành động của cha mẹ hàng ngày như không đụng chạm vào chỗ kín của trẻ để tự vệ sinh bộ phận sinh dục khi đã đủ lớn... Đặc biệt, nhóm đối tượng này thường bị lợi dụng bởi những người quen do đó phải luôn cảnh giác, luôn chú ý và để ý thái độ. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần quan tâm xem có gặp vấn đề gì không để kịp thời giải quyết. Hơn hết là khi phát hiện con mình có những dấu hiệu, biểu hiện bị xâm hại tình dục thì cần lên tiếng, báo với các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết.

Theo tìm hiểu, từ năm 2008 – 2016: Cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương của các cấp Hội phụ nữ trong cả nước đã quyên góp, thu nhận được số tiền 1.000 tỷ đồng; xây 35.695 mái ấm tình thương; sửa chữa 23.000 nhà cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, yếu thế, có hoàn cảnh cảnh đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, từ năm 2013 – 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn chỉ đạo thành lập 30 mô hình phụ nữ khuyết tật tại khắp các tỉnh/thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Bình Định, Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đây là tiền đề để tạo lập không gian an toàn, tăng cường các kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Khách quan nhìn nhận, để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới nói chung và với phụ nữ khuyết tật nói riêng, các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị xã hội đã có nhiều nỗ lực, chủ động tích cực tham mưu, đề xuất chính sách phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ khuyết tật.

Các mô hình an toàn có hiệu quả như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng; cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; Mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn dành cho phụ nữ và phụ nữ khuyết tật đã được triển khai thực hiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ khuyết tật và bảo vệ phụ nữ khuyết tật được sống trong không gian an toàn các ngành chức năng liên quan cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật; Bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn cho phụ nữ khuyết tật; tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ cho nạn nhân là người khuyết tật bị xâm hại tình dục.

Lê Thắm – Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoan-thien-chinh-sach-bao-ve-101930.html