Họa sĩ Võ Trịnh Biện: Đường nào đổ bóng tôi

Tôi gặp họa sĩ Võ Trịnh Biện (sinh năm 1966) rất tình cờ do một cô gái xinh đẹp ở Đà Lạt dẫn tới nhà anh. Cô gái nói rằng, có một Đà Lạt kỳ ảo và nồng nàn khác đang chờ đón tôi. Thế rồi tôi bị bỏ rơi trong phòng tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện với thế giới sắc màu lung linh cùng những câu thơ của anh hiện lên trên mái tường rêu xanh: 'Đời con mãi ngập úng/ Theo nước rã sợi mây/ Mẹ bao lần vớt vát/ Bầu trời chảy qua tay' (VTB).

6-Võ Trịnh Biện bên tác phẩm Mây vàng (1,6mx 1,6m) diễn tả mùa đông ở miền Trung

6-Võ Trịnh Biện bên tác phẩm Mây vàng (1,6mx 1,6m) diễn tả mùa đông ở miền Trung

Sự tan vỡ của giọt nước

Họa sĩ Võ Trịnh Biện có những phút hóa thần sắc màu thi ca bởi lẽ anh đã từng là sinh viên khoa Ngữ văn (Đại học Đà Lạt). Cũng bắt đầu từ văn chương mà anh có những cảm xúc dạt dào khi đắm chìm trong bảng màu của mình về thiên nhiên Đà Lạt. Chúng tôi ngồi nói chuyện về những ngón tay của anh khi dúng vào những đĩa sơn. Anh đã từng dùng cọ vẽ trong những năm đầu tiên cùng chặng đường mưu sinh khốn khó trên xứ sở sương mùa và hoa mimosa.

Nhưng rồi tình cờ trong một lần anh đã dùng bàn tay xóa bảng phấn khi giảng bài cho học sinh trên lớp. Một thoáng chốc những dấu ngón tay phấn còn lưu trên bảng đen. Sự ngân vang trong sắc độ đậm nhạt giữa hai màu đen trắng tạo nên nét run rảy của tâm hồn thở than. Thế rồi anh viết những câu thơ và lại dùng những ngón tay xóa. Những dấu vân tay mềm mại lẩn sâu phấp phỏng cảm xúc làm cho họa sĩ trẻ Võ Trịnh Biện đột nhiên treo cây cọ lên cổ và bắt đầu dùng ngón tay trỏ dúng màu vẽ lên toan.

Sắc độ tươi mới mềm mại hòa sắc trong nỗi xao xác tâm hồn. Và tôi đã bị chìm ngập trong không gian trừu tượng đầy đam mê của tranh Võ Trịnh Biện.

Họa sĩ Võ Trịnh Biện nhiều khi nhận mình chuyên vẽ tranh bán trựu tượng (trừu tượng biểu hiện). Bởi rất nhiều đêm anh trăn trở với những cảm xúc về Đà Lạt và con người trên miền cao nguyên Lâm Viên. Đó là thiên nhiên bốn mùa trong một ngày. Đó là nắng, gió và rừng cây núi non chuyển động từng giây phút cùng mây trôi. Lại đôi khi Biện vẽ bằng ký ức của kẻ tha hương bỏ quê Quảng Ngãi lên phố núi (cuối thập niên 80).

Nguồn sóng nội tâm tràn ánh sáng màu qua những ngón tay bí ẩn hiện lên trong từng đốm màu phát sáng. Những thân phận trong nỗi ám ảnh phiêu linh như “Cây và rừng” “Đầu người”; “Ông già và hoa hồng”; “Mong chờ”; “Sau mưa”; “Những con rối”…Tôi lắng nghe ký ức của anh kể lại với bức tranh “Người phụ nữ không đầu” (vẽ năm 2014).

Một dòng máu trào ra ôm lấy bầu trời kêu cứu với sắc độ ghê rợn có ý tượng lên án sự tàn phá thiên nhiên của con người. Đó là tượng hình sáng tạo tâm linh với nghệ thuật biểu hiện những bản thể phi vật chất không tưởng. Tôi bỗng nhớ tới những câu thơ của anh: “Đàn bò quên tiền kiếp/ Lang thang tìm nhân duyên/ Đên xương rồng cổ mộ/ Máu rỉ hai vai thiền”. Phải chăng đó là sự đi tìm mình trong thế giới “Vô cực” tâm linh.

Rồi nữa, tôi còn thêm những bất ngờ khác của Võ Trịnh Biện được thể hiện qua cây cọ đặc biệt: Xi lanh (kim tiêm). Đây là sự ngẫu hứng trởi cho khi Võ Trịnh Biện còn dùng cả bốn xi lanh được phối màu sơn dầu rồi vẽ (vẩy, chấm, loang) lên bao bố hay toan. Đây chính là cuộc triển lãm lần thứ 23 của Võ Trịnh Biện với chủ đề “Mùa dông” hồi năm 2020. Anh kể khác với nỗi u hoài và khắc khoải qua những chủ đề về thiên nhiên Đà Lạt, những bức tranh mùa đông lại rạo rực sức sống.

Một cá tính bày tỏ cảm xúc buồn vui khi dấn thân cho sự nghiệp hội họa trong chặng đường dài hàng chục năm. Tôi mê mệt với suối nguồn huyền diệu của Võ Trịnh Biện qua những tác phẩm: “Bầu trời đỏ”; “Suối mùa đông”; “Sau mưa”; Hay như “Nhà sau bão”; “Phố mùa đông”; “Mây vàng”; Đặc biệt là “Sự tan vỡ của giọt nước”. Tôi chợt ngộ nếu ở “Người phụ nữ không đầu” có sự hiện diện của nghệ thuật siêu thực; thì tới “Sự tan vỡ của giọt nước” Võ Trịnh Biện càng thêm khẳng định những cấu trúc ngẫu hứng trừu tượng đầy mẫn cảm. Đó chính là một chân dung họa sĩ mê đắm trong thế giới cảm xúc qua trực giác tài hoa.

Hồn cốt dân tộc âm vang

Mới đây, họa sĩ Võ Trịnh Biện gặp gỡ bạn đồng nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm theo đuổi nghiệp hội họa (7-2024). Qua hơn ngàn tác phẩm sơn dầu vẽ bằng ngón tay, anh tạo nên sắc thái độc đáo hiếm thấy. Anh tự nhận mình điên rồ với sắc màu trong mộng du. Mỗi bức tranh có bài ca riêng về thân phận, triết lý cái sống cái chết và vô ngã trong cuộc đời trầm luân. Nếu ánh sáng vô thường bừng lên sau “Sự tan vỡ của giọt nước” như một chuyển động hỗn nhiên tàn phai, thì nỗi niềm của nghệ sĩ lại đằm sâu trong “Người giữ lửa”; “Người làm vườn”; “Mẹ” với sự bứt thoát sáng tạo vượt lên thời gian và không gian suy tưởng. Võ Trịnh Biện bộc bạch rằng: “Mình vẽ con người bị bao bọc cùng khuôn mặt đang tan vỡ. Dường như chúng ta đi tìm linh hồn của chính mình”.

Lần gặp họa sĩ Võ Trịnh Biện gần đây càng thêm thú vị đối với tôi vì anh đầy góc cạnh như một khối vuông Rubic ma thuật. Trong khối lập phương xoay chuyển ấy có một Võ Trịnh Biện rất thi sĩ khi anh trình diễn vẽ tranh chữ Hán cổ. Thực ra, trước đó Võ Trịnh Biện luôn có những tứ thơ đẫm sắc tượng trưng hay siêu thực trong bố cục và bảng màu giàu cảm xúc của mình.

Một đời đi tìm kiếm minh, anh luôn trăn trở: “Trăng đùa bóng/ Giữa hư không/ Đường nào đổ bóng tôi”. Võ Trịnh Biện đã từng dựa trên nhưng âm vang của hồn thơ “Tây tiến” (Quang Dũng) để vẽ tranh bày triển lãm. Còn vừa qua anh lại dồn cảm xúc lắng đọng vào hình tượng những con chữ của những áng thơ dân tộc và lịch sử. Tôi bần thần xem anh vẽ chữ Hán bằng ngón tay ma thuật trên giấy dó. Đó là mạch cảm xúc của anh mỗi khi chạm vào nét chữ ông cha: “Sương mai lấp lánh/ Âm thanh của sương/ Nhỏ vào ống tre”. Chính vì thế ngay từ những bản vẽ chữ đầu tiên anh đã tạo hình nền từ trúc tre quê hương.

Sự đột phá với hai màu đen trắng qua những tác phẩm tranh chữ như “Kinh bát nhã”, “Kinh thánh” hoặc “Bình Ngô đại cáo” cùng với “Cuốn trúc xuân” (39 bức vẽ bằng mực tàu)… họa sĩ Võ Trịnh Biện tạo nên một không gian đen trắng 3D thật lộng lẫy. Riêng cuốn tranh chữ Hán “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi) được anh vẽ gốm 158 trang (110cmx90cm) nặng tới 200 kg. Nổi bật nhất mới đây anh trình làng bộ tranh chữ vẽ toàn bộ cuốn “Bát nhã tâm kinh” (264 chữ phật học).

Mỗi chữ là một tác phẩm thần họa tạo không gian ba chiều được vang lên trong tiếng mõ tiếng chuông ngân rung qua ngón tay mềm mại. Ở mỗi chân con chữ trong thẻ tre ấy hiện lên hình ảnh quê hương của anh: “Mo cau rụng vô thường/ Cha quét lá thiên đường/ Mẹ ngồi hiên chánh niệm/ Nam mô da di đà” (VTB).

Từ trừu tượng tới Post Painting trừu tượng

Võ Trịnh Biện luôn vẽ lại giấc mơ suy tưởng ập tới trong đêm tối. Anh thường dặn học trò hãy tìm ra góc khuất của riêng mình. Đó chính là cuộc rong chơi vào xứ sở mới lạ của sắc màu mê hoặc. Đồng thời hành trình khao khát chạm được chính bản ngã sẽ tỉnh thức và nhận ra sức mạnh của sự cô đơn. Rồi bỗng dưng một ngày đẹp trời Võ Trịnh Biện như lại tìm được sự tỉnh thức khi anh ghép tranh trong sự phản chiếu đối ngẫu. Sau đó là cắt dán, bóc tách những không gian màu của những tác phẩm khác nhau ghép lại tạo một giai điệu sắc màu mới kỳ thú.

Anh dẫn cho tôi xem những phân mảnh quen thuộc của hai bức tranh có ý tưởng khác biệt xếp bên cạnh nhau. Và ở đó yếu tố màu thứ ba lung linh những sắc độ bất ngờ. Và đó chính là sự ánh xạ trừu tượng đậm yếu tố tâm linh dần tới vẻ đẹp của không gian siêu vô cực. Đó chính là sự thành công độc đáo của họa sĩ Võ Trịnh Biện mở đầu cho một thể loại tranh mới thuộc về thế kỷ 21.

VƯƠNG TÂM

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-si-vo-trinh-bien-duong-nao-do-bong-toi-10291131.html