Hoa giấy Thanh Tiên 'phủ sóng' quán bar, tiệm cà phê

Bên cạnh việc phục vụ tín ngưỡng thờ cúng dịp Tết, hoa giấy Thanh Tiên ngày càng được nhiều người trẻ yêu thích, tìm đến làng trải nghiệm, đặt hàng trang trí.

Hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ trong concept Tết. Ảnh: CAFEIN Coffee.

"Thấy hoa Thanh Tiên là thấy Tết" là câu nói nhiều người nhắc đến khi nói về loại hoa giấy đặc trưng của xứ Huế. Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn nổi danh với nghề làm hoa giấy truyền thống hơn 300 năm.

Trước đây, cứ độ tháng Chạp, người dân trong làng lại bắt đầu vào vụ làm hoa để phục vụ cho việc thờ cúng Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, làng hoa trở nên nhộn nhịp quanh năm khi thu hút du khách trong và ngoài nước ghé thăm, trải nghiệm. Hoa Thanh Tiên còn được nhiều hàng quán, khu nghỉ dưỡng đặt về bài trí.

Không chỉ để thờ cúng

Biết đến làng nghề này đã lâu, Hiệp Nguyễn (sống tại TP Quy Nhơn) đã quyết định đặt số lượng lớn hoa ngũ sắc để trang trí cho quán cà phê của mình.

"Qua tìm hiểu, tôi biết được hoa Thanh Tiên thường được sử dụng vào dịp Tết và mang ý nghĩa văn hóa. Do đó, tôi chọn loại hoa này làm concept chủ đạo cho không gian check-in trong quán, cũng như mong muốn góp phần truyền tải hình ảnh loại hoa đặc biệt này đến với người dân địa phương", anh Hiệp chia sẻ.

Với nhiều màu sắc rực rỡ, hoa Thanh Tiên mang không khí Tết đến gần hơn. Ảnh: CAFEIN Coffee.

Trước khi bắt đầu trang trí khoảng 2-3 tháng, anh đã đặt 600 cành hoa từ làng Thanh Tiên. Sau khi làm xong, nghệ nhân đã đóng thùng xốp và gửi xe khách đến Quy Nhơn. "Chúng tôi mất khoảng 3-4 ngày để có thể sắp đặt và cắm hoa", Hiệp Nguyễn nói.

Anh cho biết, quán sẽ tiếp tục chưng hoa đến hết mùa xuân, đồng thời đang lên ý tưởng tái sử dụng vào dịp trung thu hoặc các ngày lễ mang đậm nét cổ truyền. Những năm trước nơi đây vẫn trang trí theo phong cách truyền thống với các chất liệu như giấy màu, tre, gỗ, vải, rơm...

Không gian nhiều màu sắc đặc trưng của ngôi làng cổ còn thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Văn Đình Huy.

Đến vụ hoa Tết, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến làng Thanh Tiên để trải nghiệm làm hoa, chụp ảnh mừng năm mới. Phần lớn mọi người sẽ chọn các trang phục như áo dài hoặc áo bà ba để chụp ảnh tại không gian nơi đây.

Với mong muốn mang đến không khí Tết cổ truyền miền Trung cho khách hàng, một quán bar tại TP.HCM cũng đã dùng những phong giấy đỏ mang câu chúc, kết hợp cùng khóm hoa Thanh Tiên rực rỡ, báo hiệu Tết đến thật gần.

Khách sẽ được trải nghiệm hương vị Tết qua cách bài trí không gian và thức uống. Ảnh: Ủ Bar.

Những bông hoa truyền thống, mộc mạc được sắp đặt giữa không gian hiện đại mang đến ấn tượng đặc biệt cho mọi người khi đến quán. Ngoài ra, trong thời gian Tết, nhân viên pha chế sẽ mang áo dài khi phục vụ thực khách.

Đơn hàng đều cả năm

Nghệ nhân Nguyễn Hóa (66 tuổi, sống tại làng Thanh Tiên) cho biết đã dành phần lớn đời mình làm ra loại hoa này.

"Từ hồi 10-11 tuổi tôi đã bắt đầu phụ ông bà làm hoa. Đến khi lập gia đình, tôi làm liên tục đến tận bây giờ. Trước đây, làm hoa giấy chỉ là việc thời vụ trong những tháng gần Tết, từ 4-5 năm trở lại khách chuyển từ hoa thờ cúng sang mục đích trang trí nên chúng tôi làm quanh năm", bác Hóa chia sẻ.

Loại hoa ngũ sắc này gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người dân xứ Huế, trước là dâng cúng thần linh, ông bà tổ tiên, sau là trang hoàng nhà cửa. Nếu trước đây các gia đình thường mua 3-4 cặp hoa Thanh Tiên để cắm trang ông, trang bà, trong bếp và am miếu... thì nay, những đơn hàng hàng trăm, hàng nghìn cây hoa được khách hàng khắp nơi mua để bài trí.

Vốn được làm hoàn toàn thủ công nên để hoàn thành một bông cũng tốn khá nhiều thời gian, thu nhập thấp. Mỗi cành hoa được bán với giá 7.000 đồng, nghệ nhân lành nghề làm giỏi cũng chỉ được khoảng 50 cành/ngày. "Giai đoạn cận Tết đơn hàng đổ về nhiều tôi làm không kịp nên phải thức làm đến 11-12 giờ đêm", bác Hóa nói.

Bên cạnh tham quan, du khách có thể tự tay làm loại hoa truyền thống này. Ảnh: Nghệ nhân Thân Văn Huy.

Bác Hóa cho biết, nhờ sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, loại hoa này được nhiều người biết đến, các hộ dân trong làng vừa sản xuất, kết hợp đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống. "Dưới sự hướng dẫn của tôi, du khách sẽ mất khoảng 30 phút để làm ra một cành hoa ngũ sắc".

Là một trong số 15 hộ còn duy trì nghề làm hoa Thanh Tiên, nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết: "Bây giờ mọi người dùng hoa để trang trí là chính chứ thờ cúng thì ít. Khách của tôi đến từ khắp nơi, nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số nước châu Âu".

Với những đơn hàng cho các khu resort, khách sạn với số lượng hàng chục nghìn cây, những nghệ nhân trong làng phải cùng nhau hợp sức làm, mang hoa Thanh Tiên đến gần hơn du khách.

Cánh đồng hoa Thanh Tiên mang nét văn hóa cổ truyền của Huế xuất hiện tại không gian triển lãm ở TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.

Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu không chỉ giới hạn trong việc trang hoàng nhà cửa, kính dân tổ tiên mỗi dịp xuân về mà còn góp phần quảng bá làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đến với du khách.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-giay-thanh-tien-phu-song-quan-bar-tiem-ca-phe-post1458414.html