Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 1

Không phải đợi tới khi đạn pháo xe tăng nổ trên đất Ukraine trong một chiến dịch quân sự đặc biệt của người Nga vào tháng 2/2022, cuộc chiến này đã được báo hiệu từ rất sớm với những chỉ dấu ngoại giao và xung đột địa chính trị giữa nhiều quốc gia - những động thái chiến tranh 'không tiếng súng'.

Không phải đợi tới khi đạn pháo xe tăng nổ trên đất Ukraine trong một chiến dịch quân sự đặc biệt của người Nga vào tháng 2/2022, cuộc chiến này đã được báo hiệu từ rất sớm với những chỉ dấu ngoại giao và xung đột địa chính trị giữa nhiều quốc gia - những động thái chiến tranh “không tiếng súng”.

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ đi tới đâu? Chúng ta chỉ có thể trả lời được câu hỏi đó nếu hình dung được con đường mà chiến sự đã diễn ra. Cuộc chiến này sẽ được kết thúc như thế nào? Có lẽ việc này sẽ phụ thuộc vào sự định đoạt của người Nga là chính. Vì thế, khi chúng ta đánh giá sự việc theo cách tiếp cận của người Nga và nhìn vào lịch sử của họ, chúng ta có thể dự đoán được người Nga sẽ kết thúc cuộc chiến tranh này ra sao.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), cựu tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) trong một cuộc gặp ở Berlin ngày 24/8/2015 để bàn về các vấn đề của Ukraine. (Ảnh: AP)

Ngày 7/12/2022, báo Die Zeit của Đức đăng một bài phỏng vấn dài với cựu thủ tướng Đức Angela Merkel về thỏa thuận Minsk năm 2014 và các giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine. Vài ngày sau cuộc phỏng vấn này, cựu tổng thống Pháp, Francois Hollande, người cùng với Merkel là đồng bảo trợ cho Ukraine trong cuộc đàm phán với Nga, cũng thừa nhận một điều tương tự trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Kyiv Independent. Khi được hỏi “Ông có nghĩ rằng các thỏa thuận Minsk nhằm để làm chậm bước tiến của Nga ở Ukraine?”, Hollande đã trả lời “Đúng thế, Angela Merkel đã đúng ở điểm này”.

Phản ứng từ phía Nga là dễ hiểu. Giới truyền thông của Nga lập tức trích dẫn các ý kiến này để khẳng định cho quan điểm có từ lâu của họ rằng từ năm 2014 tới tháng 2/2022, mọi hành động của phương Tây đối với đàm phán cũng như ký kết chỉ nhằm mục đích mua thời gian cho Ukraine (với lực lượng quân đội lúc đó đang trên đường sụp đổ hoàn toàn sau cuộc bao vây lớn của quân Nga tại Debaltsevo) và chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai với Nga. Chưa bao giờ báo chí Nga có bằng chứng rõ ràng, trực tiếp như vậy từ hai nguyên thủ của hai quốc gia phương Tây bảo trợ cho Ukraine trong 2 thỏa thuận Minsk. Phản ứng từ phía tổng thống Nga Putin thì bình thản hơn nhiều. Ông chỉ bình luận rằng mình thất vọng vì thái độ của phương Tây trong việc ký kết và thực hiện hai thỏa thuận Minsk.

Trong một bài phát biểu tại Sydney, Australia, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng kịch liệt lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin về quan điểm đối với vấn đề Ukraine. (Ảnh: Getty Image)

Vậy vấn đề đặt ra là:

Người Nga có biết về việc đàm phán và ký thỏa thuận Minsk của phương Tây chỉ là mua thời gian cho Ukraine để nước này tăng cường năng lực quân sự cho một cuộc chiến tranh với Nga trong tương lai?
Nước Nga có chuẩn bị cho cuộc chiến Ukraine không? Và nếu có thì là bắt đầu từ lúc nào?
Tại sao Merkel và Hollande lại nói điều này vào tháng 12/2022, sau 8 năm liền giữ kín chuyện đó?
Người Nga sẽ đi tới đâu trong cuộc chiến này và những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới?

Đối với câu hỏi thứ nhất, có lẽ rằng rằng người Nga biết rất rõ ý định của phương Tây, ngay cả khi đang đàm phán, lẫn sau khi các thỏa thuận Minsk được ký. Vào thời điểm đó, tình báo Nga đã thâm nhập mọi tầng lớp kiến trúc xã hội và chính quyền của Ukraine. Số lượng người trong các lực lượng công lực và vũ trang của Ukraine có cảm tình với Nga cũng rất nhiều. Do đó, việc phương Tây ráo riết tái vũ trang cho quân đội Ukraine cũng như các hoạt động ngầm để phá hoại việc thực hiện thỏa thuận Minsk 1 và 2 không thể qua mắt được người Nga.

Mặc dù phương Tây đã cố gắng thanh lọc sự ảnh hưởng của Nga đối với bộ máy chính quyền của Ukraine nhưng sự thâm nhập của Nga sâu tới mức tới khi chiến tranh nổ ra thì có tới 2/6 thành viên đoàn đàm phán của Ukraine với Nga đã bị loại bỏ vì tội phản quốc. Ở vùng Zaporozhy có gần 50 nhân viên của lực lượng an ninh Ukraine (SBU) đã ở lại vùng bị Nga chiếm và hợp tác với họ. Điều này đã dẫn tới một loạt cuộc thanh trừng sau đó đối với lãnh đạo SBU miền đông Ukraine. Hoặc việc bắt giữ các quan chức cao cấp nhất của tập đoàn Motor Sich, công ty sản xuất các động cơ cho máy bay chiến đấu, trực thăng cho quân đội Ukraine vì tội phản quốc do đã cung cấp các động cơ này cho Nga trong suốt 8 năm qua.

Ngoài nguồn tin từ các điệp viên thâm nhập vào hệ thống của Ukraine thì người Nga cũng hoàn toàn có thể xác định được ý định của phương Tây và Kiev dựa trên việc phân tích các thông tin công khai. Quá trình tái trang bị cho quân đội và chuẩn bị cho chiến tranh là một việc không thể chỉ thực hiện gói gọn trong phạm vi lĩnh vực quân sự mà nó liên quan tới mọi khía cạnh của xã hội – từ giáo dục thế hệ trẻ, bài trừ văn hóa Nga, thay đổi luật pháp và chính sách đối với miền đông – và rõ ràng nhất là khu vực Donbass trong 8 năm không bao giờ ngừng tiếng pháo của Ukraine bắn vào các vùng ly khai.

Binh sĩ Ukraine dẫn giải tù binh là quân li khai trong quá trình trao đổi tù binh ở phía bắc Donetsk ngày 28/9/2014 (Ảnh: Reuters)

Một lý do khác là sự hiểu biết và kinh nghiệm lịch sử. Các nhà lãnh đạo của Nga từng nghiên cứu rất kỹ chiến lược, kỹ thuật của phương Tây nhằm chống Liên bang Xô Viết trước đây cũng như Nga hiện nay. Đó là một chiến lược tổng thể bao quát mọi lĩnh vực.

Đối với kinh tế, hàng loạt chính sách tinh vi từ ngăn cản Nga gia nhập các định chế thương mại, tài chính quốc tế tới việc sử dụng các hiệp định thương mại làm con bài để mặc cả tới các hạn chế đối với chuyển giao công nghệ và vốn cho Nga (ngay cả trước khi cuộc chiến Ukraine xảy ra). Một ví dụ điển hình nhất là việc EU yêu cầu Ukraine chỉ được lựa chọn hoặc là ký hiệp định thương mại với họ hoặc là ký với Nga, và đây là khởi đầu của cuộc bạo loạn Maidan năm 2014 cũng như cuộc chiến hôm nay.

Đối với lĩnh vực chính trị - xã hội thì đó là việc thâm nhập của các tổ chức NGO phương Tây vào xã hội Nga để truyền bá các giá trị phương Tây nhằm thay đổi các “giá trị truyền thống” và hỗ trợ cho các lực lượng chính trị thân phương Tây. Các ví dụ điển hình là việc khuyến khích thay đổi nhận thức về đồng tính luyến ái (LBGT) trong xã hội Nga, chỉ trích, cô lập chính quyền Nga và Nhà thờ Chính thống giáo vì những nỗ lực của họ để bảo vệ các “giá trị truyền thống” của Nga. Ngoài ra còn là các nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi cách nhìn của người Nga đối với các vấn đề lịch sử thời Liên bang Xô Viết.

Đối với lĩnh vực ngoại giao thì đó là việc lôi kéo các quốc gia Đông Âu và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ rời khỏi các quan hệ hợp tác với Nga, trở thành thành viên của NATO hoặc chấp nhận cho Mỹ đặt căn cứ quân sự.

Đối với lĩnh vực quân sự thì đó là việc hỗ trợ từ gián tiếp tới trực tiếp, từ tiền bạc tới vũ khí cho các lực lượng, các quốc gia có khả năng tiềm ẩn xung đột vũ trang với Nga. Các hỗ trợ của phương Tây đối với lực lượng Hồi giáo Afghanistan để chống Liên Xô từ năm 1979 tới 1989, các lực lượng nổi dậy ở Chechnya trong 2 cuộc chiến 1994 và 2000 và các hỗ trợ cho Gruzia dẫn tới cuộc chiến 5 ngày năm 2008 với Nga. Và gần đây nhất là các gói hỗ trợ quân sự của Mỹ và phương Tây cho Ukraine.

***

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu như đã biết rõ ý định của phương Tây như vậy thì người Nga đã chuẩn bị cho chiến tranh từ lúc nào? Kính mời quý vị theo dõi tiếp phần 2 loạt bài “Hồ sơ chiến tranh Ukraine” của tác giả Thái Bảo Anh.

Bài viết: Thái Bảo Anh
Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ho-so-chien-tranh-ukraine-phan-1-198239.htm