HLV Bulgaria: Gọi hết cầu thủ U20 cũng chẳng ảnh hưởng đến V.League
Từng làm việc ở nhiều nước Đông Nam Á, HLV trưởng Velizar Popov của CLB Thanh Hóa lên tiếng phàn nàn việc V.League nghỉ tới 45 ngày chỉ để nhường chỗ cho các tuyển trẻ Việt Nam.
CLB Thanh Hóa dưới sự dẫn dắt của HLV Velizar Popov đang thăng hoa với 4 trận bất bại và đứng top 4 thì V.League tạm dừng. Khi phong độ đang cao đỉnh điểm, đội bóng xứ Thanh lại phải chờ tới hơn 45 ngày cho trận đấu chính thức tiếp theo.
HLV cá tính như Popov chắn chắn không vui với điều này. Chia sẻ với Zing, HLV người Bulgaria bày tỏ sự không hài lòng. Từng làm việc ở Thái Lan, Malaysia và Myanmar, ông cho biết giải VĐQG các nước này không làm như Việt Nam.
'Đâu có nhiều cầu thủ U20 đá V.League?'
- Xin chào HLV Velizar Popov. Quan điểm của ông thế nào về việc V.League nghỉ tới 45 ngày?
- Tôi từng ở cương vị HLV trưởng U23 Myanmar, hiểu rõ khó khăn của đội tuyển mỗi khi gọi cầu thủ từ các CLB. Các đội tuyển của Việt Nam rất thành công trong 5 năm qua nhờ việc được hỗ trợ mọi mặt, bao gồm cả sự ưu ái về thời gian tập trung. Tôi hiểu tầm quan trọng của điều này.
Tuy nhiên, 45 ngày nghỉ vẫn là quá dài, lãng phí thời gian, nếu chỉ để nhường chỗ cho đội U20 Việt Nam. Họ không cần phải dừng giải lâu đến thế, vì đâu có nhiều cầu thủ U20 Việt Nam, thậm chí U23 Việt Nam, đang đá V.League?
- Theo ông, giải pháp nào là hợp lý?
- Với đội tuyển Việt Nam, V.League nên nghỉ khoảng 10 ngày, cùng lắm là 2 tuần theo lịch FIFA Days, thế là đủ. Trong thời gian đó, Cúp Quốc gia nên được triển khai, VFF có thể gọi tất cả cầu thủ U20, U23 lên tập trung tùy ý, tôi thấy chẳng ảnh hưởng gì đến các CLB cả.
Thứ làm ảnh hưởng các CLB là việc nghỉ quá lâu. Thanh Hóa hiện nằm trong top 4, trận gặp Hà Nội vừa qua là điểm rơi phong độ tốt nhất của các cầu thủ, nếu tiếp tục được thi đấu, các học trò tôi sẽ đá rất hay. Tiếc là giải đấu tạm dừng, khi trở lại, chúng tôi phải bắt đầu từ con số 0.
Một số đội bóng rất cần thời gian này, nhất là Công An Hà Nội. HLV của họ chắc hắn đang rất vui.
- Ông từng gặp giải nào nghỉ lâu thế chưa?
- Đây không phải vấn đề riêng của Việt Nam. Tôi từng rơi vào hoàn cảnh tệ hơn khi làm ở Malaysia năm 2016. Khi đó, Malaysia Super League tạm nghỉ vào dịp lễ ăn chay (Ramadan), nhưng cùng lắm là 1 tháng. Nghỉ 1 tháng không đá bóng, các CLB trở lại và đá 10 trận trong tháng tiếp theo. Một lịch thi đấu điên rồ kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Ở Thái Lan, tôi từng rơi vào hoàn cảnh này năm 2014, khi giải dừng khoảng 1 tháng để đội U23 tập trung cho SEA Games. Nhưng đó là quá khứ, giờ Thai League phát triển, họ không còn làm vậy nữa.
- Thật đáng tiếc khi không thể thấy CLB Thanh Hóa của ông tiếp tục gây bất ngờ.
- Tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Phong độ cầu thủ đội Thanh Hóa hiện ở đỉnh điểm, nhất là sau trận gặp CLB Hà Nội ở vòng 4. Ai biết chúng tôi có thể làm được những gì nếu tiếp tục thi đấu?
Sân xấu và vấn đề trọng tài ở V.League
- Nói về trận gặp Hà Nội vừa qua, đó có phải trận khó khăn nhất từ ngày ông đến V.League?
- Khó khăn ư? Không hề. Tôi nghĩ là ngược lại. Đó là trận dễ nhất của tôi từ ngày đến đây. Nhưng đừng vội hiểu từ “dễ dàng” theo nghĩa thông thường. Chúng ta đều biết Hà Nội là đội mạnh nhất V.League, luôn chơi tấn công áp đặt với bất cứ đối thủ nào. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi không còn bất ngờ.
Chúng tôi biết rõ cách họ thi đấu, nhập cuộc như thế nào để lên đấu pháp chuẩn bị. Trước vòng 4, tôi đến tận nơi xem Hà Nội đấu với Hà Tĩnh. Tôi nhận ra nếu chủ động gây áp lực toàn bộ lên phần sân của họ từ xa, họ sẽ gặp vấn đề.
Với tâm lý của cầu thủ Thanh Hóa, gặp đội mạnh nhất V.League chẳng hề khiến họ bị áp lực. Chúng tôi không hề sợ các đội chơi tấn công mà sợ nhất những đội co mình về phòng ngự mà thôi. Gặp những đội lùi cả 10 người về sân nhà, chỉ chờ chực phá bóng mới đáng sợ.
- Nếu Thanh Hóa đá hay, tại sao lại phải sợ?
- Nếu rơi vào thế trận như vậy mà ở Việt Nam, với điều kiện sân bãi hạn chế, những vấn đề trọng tài, để tấn công và ghi bàn là nhiệm vụ bất khả thi.
Sân bãi ở Việt Nam đa phần xấu, ngay cả với sân Thanh Hóa. Nếu gặp những đội chỉ tập trung phá bóng, chúng tôi sẽ không thể phối hợp, triển khai bóng. Sân bãi xấu cũng khiến các cầu thủ không còn muốn chơi bóng, thúc đẩy xu hướng bạo lực. Họ sẽ chuyển sang dùng sức để phá lối chơi của đối thủ, hay nói cách khác là hủy hoại trận đấu. Tôi đã thấy cảnh cứ 5 phút lại có cầu thủ ngã xuống vì họ không muốn đá bóng.
- Thật tiếc khi phải nghe điều đó.
- Tôi lấy thêm ví dụ để bạn hiểu tầm quan trọng của sân bãi tới bóng đá. Khi tôi làm việc ở Thái Lan, các sân vận động đều rất tốt, đều được chăm sóc chu đáo, mặt cỏ luôn có chất lượng cao. Nhờ đó các CLB Thái Lan luôn chơi cống hiến, mang đến những trận đấu có tốc độ cao, chất lượng chuyên môn cao.
Sân đẹp giúp các cầu thủ Thái Lan kiểm soát bóng tốt hơn, cá biệt là Buriram United, đội luôn kiểm soát bóng áp đảo các đối thủ. Với Malaysia là Johor Darul Tazim, họ có sân vận động đẹp nhất giải, họ có thể chơi tấn công đẹp mắt và thắng dễ dàng bất cứ đối thủ nào.
- Vậy còn chuyện trọng tài? Ông chỉ mới trải nghiệm V.League có 4 vòng.
- Nhiều khi tôi nổi cáu với trọng tài Việt Nam không phải vì họ ra quyết định sai. Tôi không chỉ trích các trọng tài vì họ cũng là con người, ai cũng có thể phạm sai lầm. Tôi chỉ muốn nói về sự công bằng của bóng đá. Lấy ví dụ ngay trận vừa rồi, tại sao cùng một lỗi nhưng cầu thủ Thanh Hóa bị thổi phạt còn Hà Nội thì không? Bóng đá muốn hay, muốn đẹp, phải công bằng trước đã.
Thanh Hóa phải nhận tới 16 thẻ vàng, phần nhiều trong số đó không đáng. Các cầu thủ Thanh Hóa bị thẻ phạt không phải chỉ do phạm lỗi vật lý mà vì cả tranh cãi trọng tài nữa. Cá nhân tôi phải nhận 2 thẻ vì điều đó. Tôi sẽ phải tiết chế.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.