Hiểu về chuyển đổi số theo cách của Thomas M. Siebel
Chuyển đổi số đang được nhắc đến mỗi ngày, như một xu hướng bắt buộc nếu không muốn bị tụt hậu. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nền hành chính công vụ, đến trường học, thư viện và cả dịch vụ dân sinh v..v. Nhưng hiểu về chuyển đổi số lại không nhiều như số lần nó được nhắc đến. 'Chuyển đổi số - Sống sót và Bứt phá' của Thomas M. Siebel là một cuốn sách cần đọc nếu bạn muốn hiểu rõ câu chuyện này.
Giáo sư Kinh tế, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và cựu Hiệu trưởng ĐH Stanford, đã nói về cuốn sách này: “Hãy đọc cuốn sách này - đó là lời khuyên chân thành của tôi dành cho tất cả lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ. Không có hướng dẫn nào tốt hơn cuốn sách này nếu bạn muốn tìm ra con đường chuyển đổi số thành công".
Bằng sự kết hợp giữa các kinh nghiệm đã được chứng minh trên thị trường và những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực công nghệ, Thomas M. Siebel làm sáng tỏ chủ đề quan trọng vốn được cả thế giới bàn luận nhưng không dễ thấu hiểu cách tường tận: Chuyển đổi số.
Thomas M. Siebel là nhà sáng lập và CEO của C3.ai - một trong những nhà cung cấp phần mềm AI hàng đầu hiện nay. Là lãnh đạo danh tiếng toàn cầu với 40 năm sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông ở tuyến đầu của nhiều chu kỳ đổi mới quan trọng như cơ sở dữ liệu quan hệ, phần mềm ứng dụng doanh nghiệp, điện toán đám mây, AI hay IoT.
Ông từng tiên phong khởi xướng phân hệ quản trị quan hệ khách hàng (CRM) khi sáng lập Siebel Systems. Siebel trở thành một trong những công ty phần mềm doanh nghiệp hàng đầu thế giới có doanh thu năm hàng tỉ đô, sau đó hợp nhất với Oracle năm 2006.
Thomas M. Siebel được Businessweek vinh danh trong danh sách 25 nhà lãnh đạo nổi bật về kinh doanh toàn cầu trong ba năm liền 1999 - 2001. Đặc biệt, ông cũng là chủ nhân ba lần của giải thưởng EY Entrepreneur, vào các năm 2003, 2017 và 2018. Siebel được bầu vào Viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 2013.
Thomas M. Siebel chỉ ra sự hợp lưu của bốn loại công nghệ: Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật (IoT) đang làm "tuyệt chủng" hàng loạt ngành công nghiệp và khai sinh ra bộ "ADN" mới mang đặc trưng của các tổ chức thời kỹ thuật số.
Tác giả phân tích, chuyển đổi số là thiết yếu cho những người gánh vác trách nhiệm trong các hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội. Những mô tả tinh tế về sự giao thoa mạnh mẽ giữa các công nghệ giúp chúng ta hình dung về các thách thức sẽ đến và cách xử lý chúng như những cơ hội.
Chuyển đổi số, theo tác giả, có khi đang được gán cho không ít tên gọi mỹ miều, quen thuộc nhất là những cụm từ "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" hay "thời đại máy móc thứ hai". Điều đó dễ làm sai lệch quá trình đổi mới, vốn đòi hỏi "mang tính cách mạng đối với quá trình cạnh tranh then chốt của doanh nghiệp" thay vì đơn thuần đầu tư cho công nghệ nhằm số hóa một số chức năng hay quy trình, nhưng lại không thực sự chuyển đổi được một doanh nghiệp hay cả một ngành.
Các nhà bình luận đánh giá Chuyển đổi số là "cẩm nang hướng dẫn sinh tồn cho các tổ chức trong thời đại thông tin". Thông qua các nghiên cứu điển hình thu thập từ các tổ chức, tác giả không chỉ phân tích những rủi ro và cơ hội với các doanh nghiệp, các tổ chức công mà còn những tác động của nó đến an ninh quốc gia cũng như an ninh toàn cầu.
Vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả nằm ở chính các CEO, họ cần hình dung ra viễn cảnh một thế giới đặc trưng bởi sáng tạo đột phá và dự báo được những lợi ích mà sản phẩm số mang lại. Nếu không có văn hóa khuyến khích đổi mới sáng tạo và chấp nhận rủi ro, kể cả khi có một chiến lược chuyển đổi số với căn cứ thuyết phục nhất vẫn có thể thất bại.
Ông cũng khuyến cáo các nhà lãnh đạo, đội ngũ nhân sự ngày nay đại diện cho những hệ giá trị, động lực và tập hợp những kỹ năng khác nhau. Lực lượng lao động ngày càng đa dạng và phức tạp hơn đến từ thế hệ trẻ em đang bùng nổ, thế hệ X và Millennials, vì vậy cần tìm ra cách thức đón nhận "sự kết hợp rất lợi hại gồm các thái độ, mục tiêu và động lực khác nhau" để gắn kết vào sứ mệnh chung.
Tác giả cũng đưa các nhà kỹ trị hình dung ra cách ứng xử trước các lớp công nghệ mới; kỷ nguyên mới về phân tích và dự đoán sử dụng dữ liệu theo thời gian thực; thế nào là một mô hình doanh nghiệp số thực thụ; hay cách các chính phủ ứng xử ra sao trước "cuộc chiến giành quyền lãnh đạo AI" trên thế giới, tập trung chủ yếu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Siebel khuyến cáo, nếu AI đang đóng một vai trò trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và nền công nghiệp thì nó cũng đang thúc đẩy sự chuyển đổi trong cách "chiến tranh trên không gian mạng" được vận hành ở thế kỷ 21.