Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò 3B ở Triệu Phong
Nhận thấy chăn nuôi bò 3B có nhiều ưu điểm, đặc biệt là dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với một số loại vật nuôi khác, được thị trường ưa chuộng..., thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ dân ở huyện Triệu Phong đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản để nuôi loại bò này, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả khả quan.
Trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình chị Trương Thị Hằng ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng có hơn 3 ha. 5 năm trở lại đây, gia đình chị đầu tư chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn khoảng 450 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, trồng cam hữu cơ và một số cây ăn quả như chuối, đu đủ...
Ngoài ra, chị nuôi gà, vịt thịt với tổng đàn hơn 500 con/lứa, nuôi cá với diện tích mặt hồ gần 5.000m2 . Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, mô hình này lãi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2023 lợn bị dịch bệnh nhiều nên chị tạm dừng nuôi.
Sau khi khảo sát nhu cầu, nhận thấy các điều kiện của trang trại đáp ứng yêu cầu của chương trình hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, đầu năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn trang trại của gia đình chị Hằng để hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi bò 3B.
Để thực hiện mô hình, chị dành 1,3 ha trồng cỏ và ngô làm thức ăn cho bò; đầu tư 250 triệu đồng xây dựng chuồng trại bài bản, nằm cách biệt, mua 10 con bò giống 3B với số tiền gần 250 triệu đồng về nuôi. Mô hình được triển khai thực hiện trong 10 tháng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cam kết hỗ trợ mô hình thức ăn cho bò (khoảng 55 triệu đồng), tảng đá liếm, bao bì để ủ thức ăn cho bò.
Gần 2 tháng đưa vào nuôi, đàn bò của chị phát triển tốt, nuôi nhốt nên không phải tốn nhiều công chăm sóc. Quá trình chăn nuôi, chị được cán bộ khuyến nông xã hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng cỏ và ngô sinh khối làm thức ăn, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò. Phân bò được chị ủ để thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn, dùng để bón cho các loại cây trồng.
Chị Hằng chia sẻ: “Tôi rất vui khi được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò 3B. Sau một thời gian ngắn chăn nuôi, tôi thấy bò 3B dễ chăm sóc, dễ nuôi hơn so với nuôi lợn. Bò rất tạp ăn, phát triển tốt. Nếu mô hình này phát triển thuận lợi, tôi sẽ chuyển đổi một phần chăn nuôi lợn sang đầu tư nhân rộng nuôi bò”.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, cán bộ khuyến nông xã Triệu Thượng cho biết: “Trên địa bàn xã những năm gần đây phát triển nhiều mô hình trang trại, gia trại, trong đó có trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hằng. Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo yêu cầu của chương trình, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi bò 3B.
Đây là loại vật nuôi mới ở địa phương. Qua một thời gian ngắn thực hiện, bước đầu bò sinh trưởng tốt. Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi; là mô hình điểm để người dân học tập, làm theo nhằm nâng cao thu nhập”.
Để phát huy hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò triển khai trên địa bàn tỉnh, từ năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh tại các địa phương. Giống bò đưa vào chăn nuôi yếu là bò 3B. Tiêu chí chọn hộ chăn nuôi hỗ trợ phải có đủ tiềm lực để đối ứng mô hình gồm 10 con bò đực giống 3B, xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn, đất trồng cỏ, ngô nuôi bò (khoảng 0,5 ha).
Tại huyện Triệu Phong, năm 2023 trung tâm đã hỗ trợ hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tung ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch xây dựng mô hình này. Yêu cầu bò tăng trưởng đảm bảo bình quân 1 ngày là 1kg/con, 1 tháng ít nhất 30kg/con. Sau 10 tháng nuôi và xuất chuồng, bình quân mỗi con bò đạt trọng lượng từ 6-8 tạ, trừ chi phí lãi ròng khoảng 100 triệu đồng/10 con, lợi nhuận cao hơn hẳn so với các loại vật nuôi khác.
Tận dụng nguồn phân bò, ngoài ủ bón cho cây trồng, gia đình ông Tung bán cho người dân có nhu cầu. Từ thành công bước đầu, năm nay gia đình ông Tung tiếp tục đầu tư thực hiện mô hình. Trên cơ sở đó, đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi bò 3B ở xã Triệu Thượng.
Đối với giống bò 3B đưa vào mô hình nuôi thịt thâm canh rất dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, ít rủi ro về dịch bệnh, phù hợp với điều kiện của người chăn nuôi tại địa bàn huyện Triệu Phong. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong Hoàng Thị Thùy Trang cho biết: “Thời gian tới, trạm tiếp tục khảo sát nhu cầu, đề xuất với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ những hộ dân đủ điều kiện xây dựng mô hình nuôi bò 3B. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình thì yêu cầu vốn đầu tư ban đầu của các hộ dân khá cao. Do đó, trạm đề nghị các cấp, ngành quan tâm có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tham gia thực hiện, nhân rộng mô hình”.