Hiệu quả chương trình cho vay nước sạch nông thôn

Việc triển khai chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện tiêu chí về môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022, gia đình ông Lâm Văn Khang, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) được vay 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ông Khang chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình ông phải sử dụng nguồn nước giếng khơi để sinh hoạt, mùa mưa nước đục, mùa khô thì nước ít. Cuối năm 2022, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông đã làm hồ sơ vay 20 triệu đồng, đầu tư xây bể chứa nước, mua téc, ống dẫn nước và xây dựng công trình nhà vệ sinh khép kín, nhờ đó gia đình ông đã có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lâm Văn Khang, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) đầu tư xây dựng công trình nước sạch phục vụ gia đình.

Trước đây, gia đình chị Lương Thị Mẫn, thôn Rộc, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cũng như nhiều hộ trên địa bàn xã không có công trình nhà vệ sinh tự hoại; nhà vệ sinh thường được làm tạm bợ trong vườn, không đảm bảo quy chuẩn về vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tháng 6-2022, gia đình chị Mẫn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương cho vay 20 triệu đồng theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng kinh phí tự có, gia đình đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh đồng bộ, khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình.

Gia đình ông Quan Văn Chính, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) trước đây chỉ có nhà tắm tạm bợ. Năm 2021, gia đình chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng, cùng kinh phí tự có đã xây được nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch sinh hoạt. Ông thấy thực sự yên tâm cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình khi được sử dụng nước sạch, hạn chế bệnh hô hấp, tiêu hóa và các bệnh về mắt...

Sau hơn 5 năm chương trình tín dụng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được điều chỉnh về đối tượng thụ hưởng và nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế đã giúp hàng chục nghìn hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Theo đó, mức vay của một hộ nâng từ 12 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ, lãi suất 9%/năm. Với việc tăng mức vay này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nước sạch và vệ sinh môi trường của người dân, nhất là ở các xã khó khăn. Đã có nhiều công trình cấp nước tập trung được đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, để chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt hiệu quả cao, ngân hàng tham mưu cho Ban Đại diện các cấp, các đoàn thể nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, đôn đốc hộ vay chấp hành trả nợ gốc, lãi đúng hạn. Đến ngày 31-3, tổng dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 449,9 tỷ đồng với 25.289 khách hàng dư nợ để đầu tư xây dựng hơn 50.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 96%.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/hieu-qua-chuong-trinh-cho-vay-nuoc-sach-nong-thon-174218.html