Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được Ngân hàng CSXH triển khai hiệu quả. Nguồn vốn ưu đãi được thực hiện ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang mở ra cơ hội cho hàng nghìn hộ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cán bộ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh và huyện Mai Sơn thăm mô hình trồng cây ăn quả
từ nguồn vốn vay ưu đãi tại xã Nà Bó.
Để nguồn vốn ưu đãi được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương. Với phương châm công khai, dân chủ, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được Chi nhánh triển khai đến 100% xã, bản trong toàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hằng năm, Chi nhánh đều tổ chức tổng kết các mô hình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh hiệu quả để triển khai nhân rộng giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 4.652 tỷ đồng; trong đó, tổng dư nợ ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội chiếm 99,7%. Để thuận lợi cho người dân làm các thủ tục vay vốn thuận lợi, Chi nhánh đã bố trí điểm giao dịch ở 204 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; phối hợp củng cố, kiện toàn 3.919 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ủy thác. Tích cực xử lý, đôn đốc thu hồi nợ theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn lồng ghép nâng cao kiến thức về quản lý và sử dụng nguồn vốn cho hội viên, gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ hoạt động ổn định và hiệu quả, các tổ TK&VV đóng vai trò là “cầu nối” giữa Ngân hàng CSXH với người dân trong tuyên truyền chính sách, giải ngân và quản lý vốn vay. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép các chương trình, dự án của các đoàn thể chính trị; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Hà Văn Yến, bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) là một trong những hộ đã thoát nghèo và đang vươn lên khá nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Theo ông Yến, trước đây gia đình ông rất khó khăn. Mặc dù có đất, nhưng không có vốn đầu tư sản xuất. Năm 2015, ông được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ ngân hàng tín dụng, tổ chức hội cựu chiến binh, ông đã sử dụng vốn vay để cải tạo 3 ha đất nương của gia đình sang trồng cây nhãn, xoài. Sau 3 năm, vườn cây ăn quả cho thu hoạch, giúp gia đình thoát nghèo.
Ngoài hộ gia đình ông Yến, nhiều hộ khác ở các địa phương cũng đi lên từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Mặc dù mỗi gia đình có cách thức đầu tư khác nhau, nhưng cơ bản các hộ vay đều phát huy hiệu quả đồng vốn. Điển hình như hộ ông Quàng Văn Inh, bản Biên, xã Nậm Lầu (Thuận Châu) vay 30 triệu đồng từ năm 2011 để mua 4 con bò sinh sản và đầu tư sản xuất, đến nay, gia đình ông có 9 con bò và thu nhập từ trồng trọt đạt 100 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông thoát nghèo, đời sống ổn định. Hay hộ anh Giàng A Dạy, bản Rừng Thông, xã Mường Bon (Mai Sơn) được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm năm 2017, đã đầu tư trồng 1,5 ha rau, củ, quả sạch, mang lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng CSXH, từ nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian qua đã có khoảng 17.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tỉnh ta được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc, mở rộng thâm canh 15.600 ha cây ăn quả. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610 ha ruộng nước, 600 ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng...
Những kết quả trên đã khẳng định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.