Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần hoàn thiện theo định hướng mới
Cùng với những thành tựu phát triển của ngành Xây dựng trong 60 năm qua, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, tiến độ xây dựng công trình, đảm bảo hiệu quả đầu tư, là công cụ phục vụ quản lý Nhà nước… Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống này bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần hoàn thiện theo định hướng mới.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng
Tính từ năm 1958, khi Đảng, Quốc hội và Nhà nước quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), đến năm 1997, Bộ Xây dựng mới ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam gồm 03 tập. Quy chuẩn xây dựng này quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi hoạt động xây dựng bao gồm: Lập quy hoạch xây dựng, lập quy hoạch đô thị, lập quy hoạch nông thôn, quy định về kiến trúc, quy định liên quan đến thiết kế kết cấu, thi công, an toàn cháy nổ, an toàn thi công, vệ sinh môi trường, các số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng... cũng như các giải pháp, các tiêu chuẩn xây dựng được sử dụng để đạt được các yêu cầu đó do Bộ Xây dựng thống nhất ban hành.
Nhìn chung, quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để Bộ Xây dựng điều tiết, quản lý các lĩnh vực được Chính phủ phân công trong từng giai đoạn. Đến năm 2006, Quốc hội khóa XI ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 127/2007 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đối chiếu với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 127/2007 thì 03 Bộ quy chuẩn kỹ thuật ban hành năm 1997 không phù hợp về mặt hình thức và kết cấu của một quy chuẩn kỹ thuật, kết hợp với việc Luật Xây dựng 2003/QH11 ra đời đã bao gồm một số nội dung của 03 bộ quy chuẩn ban hành năm 1997.
Xét đến năm 2006, khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ra đời thì lĩnh vực Xây dựng đã phát triển vượt bậc so với năm 1997, nhiều nhà cao tầng, nhiều kết cấu đặc biệt, nhiều đô thị và khu đô thị phát triển, hiện tượng khan hiếm quỹ đất cho xây dựng trong các đô thị bắt đầu xuất hiện. Do đó, từ năm 2007, Bộ Xây dựng bắt đầu rà soát, biên soạn các quy chuẩn kỹ thuật mới để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và cập nhật các nội dung mới. Từ năm 2007 đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành 16 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các bộ ngành khác ban hành 13 quy chuẩn có liên quan đến lĩnh vực xây dựng (tổng cộng có 29 quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình – Phụ lục I).
Tuy nhiên, 29 quy chuẩn này vẫn chưa phủ hết các đối tượng trong ngành Xây dựng. Đa số các quy chuẩn có nội dung hướng đến một đối tượng, một loại công trình cụ thể (như biển quảng cáo ngoài trời, trạm xăng dầu, bến xe khách, trạm cân xe, rạp chiếu phim...). Việc các bộ chuyên ngành quản lý công trình xây dựng tự tổ chức biên soạn quy chuẩn thuộc lĩnh vực quản lý có một số bất cập như: Chồng chéo, một đối tượng cả hai bộ ban hành quy chuẩn theo hai cách khác nhau; đối tượng cần quản lý nhưng không cơ quan nào ban hành quy chuẩn, ví dụ: quy chuẩn về các công trình giao thông (như cầu, đường); quy chuẩn về các công trình thủy lợi (như đập, hồ chứa); quy chuẩn về quy hoạch không gian ngầm đô thị; quy chuẩn về nhà ở và công trình công cộng… hoặc về mặt nội dung, mặc dù các quy chuẩn xây dựng đã được nghiên cứu kỹ trước khi ban hành nhưng vẫn còn một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam do thường được chuyển dịch chấp nhận từ các tài liệu nước ngoài. Ngoài ra, các quy chuẩn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng đang áp dụng ở nước ta trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Vì vậy, để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, cần thiết phải quy hoạch lại danh mục bộ quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực xây dựng.
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng
Hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đã được hình thành và phát triển trong suốt 60 năm của ngành Xây dựng. Trải qua nhiều giai đoạn, các quy phạm xây dựng từ năm 1963, các tiêu chuẩn ngành (14 TCN ngành Thủy lợi, 20 TCN ngành Xây dựng, 22 TCN ngành Giao thông) từ 1982, các tiêu chuẩn xây dựng (TCXD) và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN) từ những năm 2000, đến nay đã thống nhất thành các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Theo thời gian và nhu cầu thực tế, tiêu chuẩn xây dựng đã tăng nhanh về số lượng, đặc biệt từ sau giai đoạn mở cửa nền kinh tế. Hiện nay, với khoảng 1.500 tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng, chiếm khoảng 15% tổng số các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn quốc. Các tiêu chuẩn này chủ yếu do Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành liên quan đến xây dựng biên soạn và được xếp thành 11 lĩnh vực tùy theo nhóm công việc cụ thể.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều bất cập trong nội dung tiêu chuẩn chưa được phát hiện kịp thời đề chỉnh sửa, hệ thống tiêu chuẩn chưa bao phủ hết tất cả các lĩnh vực của ngành Xây dựng. Một số nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam do được chuyển dịch chấp nhận từ tài liệu nước ngoài. Một số quy định trùng lặp hoặc mâu thuẫn giữa các tài liệu kỹ thuật.
Các tiêu chuẩn xây dựng chưa hoàn toàn theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng trong bối cảnh hội nhập của thị trường xây dựng hiện nay ở nước ta. Việc cho phép áp dụng tự nguyện nhiều hệ thống tiêu chuẩn quốc tế làm phá vỡ tính hệ thống của tiêu chuẩn và gây khó quản lý việc sử dụng tiêu chuẩn. Chưa có một chiến lược chung về phát triển hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, dẫn đến giữa các Bộ ngành vẫn còn tình trạng chồng chéo về phạm vi, đối tượng áp dụng, mất tính liên thông trong việc áp dụng tiêu chuẩn giữa các lĩnh vực.
Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ động tích cực xây dựng một số quy hoạch tiêu chuẩn đối với một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy hoạch chung cho cả hệ thống tiêu chuẩn ngành Xây dựng.
Từ những thực trạng và bất cập trên, có thể thấy việc đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Việc định hướng đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.