Hệ sinh thái học tập sáng tạo: Phát triển năng lực học tập của học sinh Thủ đô

Hệ sinh thái học tập, sáng tạo phát triển theo hướng hệ sinh thái giáo dục thông minh tạo lập một môi trường học tập, sáng tạo, hỗ trợ việc dạy và học, giáo dục cho học sinh sự linh hoạt, tính chính trực, tính phổ biến và tính kết nối, từ đó phát triển năng lực học tập, sáng tạo của học sinh Thủ đô.

Hội thảo tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá, từ đó đưa ra những giải pháp về việc xây dựng Hệ sinh thái học tập, sáng tạo phát triển theo hướng hệ sinh thái giáo dục thông minh; tạo lập một môi trường học tập, sáng tạo, hỗ trợ việc dạy và học, giáo dục cho học sinh sự linh hoạt, tính chính trực, tính phổ biến và tính kết nối, từ đó phát triển năng lực học tập, sáng tạo của học sinh Thủ đô.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai, ngành Giáo dục đặt mục tiêu phấn đấu, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”. Ý tưởng xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập trên thế giới bắt nguồn từ lý thuyết đến kết nối, nhằm nuôi dưỡng và phát triển các cá nhân, nhóm, mạng học tập; đồng thời, giúp các tổ chức, nhà trường chống chọi với khủng hoảng và tạo ra lợi ích lâu dài cho người dạy và người học bằng cách thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo TS. Nguyễn Thị Thuần (Khoa Sư phạm - Đại học Thủ đô Hà Nội), giáo dục sáng tạo thể hiện các mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần học tập với nhau (chương trình, phương pháp, người học…) và với môi trường học tập bên ngoài (hệ sinh thái học tập lớn hơn) thông qua sự vận động của tri thức kết nối và môi trường công nghệ; Nó thể hiện tính cá nhân hóa thông qua việc thiết lập các tương quan nhằm tạo dựng được môi trường kết nối giáo dục để phát triển cá nhân phù hợp với xu thế, mục đích vận động của hệ sinh thái giáo dục đó.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo: Lý luận & thực tiễn trên thế giới và Việt Nam”

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo: Lý luận & thực tiễn trên thế giới và Việt Nam”

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thuần, giáo dục sáng tạo không chỉ tập trung vào việc khuyến khích sự sáng tạo và phát triển tiềm năng sáng tạo của người học mà còn xem xét môi trường học tập như một hệ sinh thái đa chiều.

Theo đó, mô hình hệ sinh thái học tập gồm 4 thành tố chính là: “các chủ thể học tập”, “các hệ thống tri thức học tập”, “các hệ thống công nghệ học tập” và “các hệ thống ngữ cảnh học tập”. Các thành tố này kết hợp với nhau để tạo thành hệ thống lớn hơn và cũng có thể kết nối theo mạng lưới với tính tự do, linh hoạt và bình đẳng.

Đặc điểm của hệ sinh thái học tập sáng tạo: Là hệ thống học tập sáng tạo, bao gồm các cộng đồng, tổ chức, mạng lưới và công nghệ hỗ trợ cho việc thúc đẩy khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của người học. Hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường học tập đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của các cá nhân, cộng đồng và tổ chức, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển cá nhân.

ThS. Nguyễn Hồng Chiến - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nêu ý kiến, hệ sinh thái học tập được xây dựng dựa trên cơ sở văn hóa học tập và chiến lược giáo dục. Các quyết định trong hệ sinh thái học tập được thực hiện dựa trên các quan điểm chiến lược, tất cả các thành phần của hệ sinh thái học tập đều hướng tới việc đạt được các mục tiêu chiến lược của tổ chức.

Mục tiêu của hệ sinh thái học tập sáng tạo là tạo ra một môi trường học tập đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của các cá nhân, cộng đồng và tổ chức, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển cá nhân. Do đó, xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hệ sinh thái học tập sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin, phân tích hiện trạng, từ đó đưa ra các phương án phù hợp và khả thi nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái học tập mang tính sáng tạo cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, sự phát triển của giáo dục chịu ảnh hưởng rất lớn của những biến đổi xã hội, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng 4.0 và sự hình thành xã hội tri thức 2.0.

Để trở thành ngọn cờ đầu trong ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời xây dựng thành phố thông minh, thành phố sáng tạo với các nguồn lực chất lượng cao, chủ động và sáng tạo trong công việc, Hà Nội cần tiến hành nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái học tập, sáng tạo, trong đó nhà trường là nhân tố, kết nối các thành tố của hệ sinh thái. Hệ sinh thái học tập, sáng tạo phát triển theo hướng hệ sinh thái giáo dục thông minh, tạo lập một môi trường sáng tạo, hỗ trợ việc dạy và học, cung cấp cho học sinh tính linh hoạt, tính chính trực, tính phổ biến và tính kết nối, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển năng lực học tập, sáng tạo của học sinh Thủ đô./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/he-sinh-thai-hoc-tap-sang-tao-phat-trien-nang-luc-hoc-tap-cua-hoc-sinh-thu-do-post1020975.vov