Hệ lụy 'mạnh ai nấy làm'

Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2.

Người dân vất vả vượt qua chỗ ngập đoạn đường gom đại lộ Thăng Long, gần lối vào khu độ thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco (ảnh chụp ngày 21/7) - Ảnh: Khánh Linh

Sau 10 năm, bộ mặt Hà Nội thay đổi đáng kể, nhiều vùng quê sau một đêm trở thành cư dân thành thị; Hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư xây dựng hướng về trục phía Tây; nhiều tuyến đường nông thôn mới được mở mang...

Cùng đó, với viễn cảnh về một đại đô thị đã tạo ra cơn sốt đất ở nhiều nơi. Đặc biệt, là các dự án đô thị mới tại khu vực phía Tây, chạy dọc các trục đường mới như: Đại lộ Thăng Long; đường trục phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn, QL32,... tạo ra làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng.

Những thành tựu sau 10 năm Hà Nội mở rộng là không thể phủ nhận. Nhưng nỗi lo còn lại cũng không ít, rõ nhất chính là những bất cập, yếu kém, thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng. Những trận mưa, dù không lớn vào trung tuần tháng 7 vừa qua biến khu vực phía Tây thành “biển” nước mênh mông. Hàng loạt đô thị mới hiện đại, giá triệu USD, nhưng chủ nhân phải bơi thuyền vào nhà. Những chiếc siêu xe cả tỉ đồng bị ngâm trong nước nhiều ngày.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Các đô thị mới, tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm trên những vùng đất trước kia chỉ toàn đồng ruộng, ao hồ,... kéo theo hàng loạt hệ lụy khó lường. “Theo nguyên lý quy hoạch, trước đây khi xây dựng các khu dân cư, chúng ta thường làm ở những khu vực đất tự nhiên cao ráo, kết hợp với giải pháp thoát nước hợp lý nên hạn chế tối đa ngập lụt. Còn hiện tại, chúng ta lại đi ngược nguyên lý quy hoạch. Nghĩa là, xây dựng ở những khu đất thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Nhiều chủ đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận, tính toán diện tích sàn lớn… mà bỏ quên các yếu tố hạ tầng kỹ thuật”, một chuyên gia đô thị thẳng thắn nói.

Cùng với việc phát triển đô thị ồ ạt, không theo quy hoạch, không quan tâm đến hạ tầng cơ sở là tình trạng không tuân thủ cốt nền. Lâu nay, việc quản lý cốt nền trong việc xây dựng đô thị và cả giao thông gần như bị bỏ qua nên cứ “mạnh ai nấy làm”. Khu đô thị sau làm cao hơn khu đô thị trước, tuyến đường sau cao hơn tuyến đường trước, trong khi diện tích ao hồ bị thu hẹp, hệ thống thoát nước không đảm bảo nên nước không có chỗ thoát.

Hiện, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng loạt khu đô thị mới, những tòa nhà chọc trời vẫn thi nhau mọc lên ngày càng dày đặc hơn. Nếu Hà Nội không có giải pháp căn cơ và tuân thủ nghiêm ngặt công tác quy hoạch trong phát triển đô thị thì việc chống ngập vẫn là bài toán khó giải; Và tình trạng hễ mưa là ngập diện rộng, người dân phải bì bõm tìm đường về nhà vẫn còn kéo dài.

Hà Thanh Oai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/he-luy-manh-ai-nay-lam-d265801.html