Hé lộ về máy bay hình viên đạn của Mỹ

Hãng Otto Aviation vừa ra mắt mẫu máy bay tư nhân có hình dáng như viên đạn, được quảng cáo là tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới và mở ra tiềm năng cho dịch vụ taxi hàng không.

Tin đồn nhen nhóm từ ba năm trước.

Vào tháng 4/2017, một chiếc máy bay hình viên đạn bí ẩn được phát hiện tại sân bay Hậu cần Southern California gần thành phố Victorville, bang California, Mỹ.

Thiết kế đặc biệt của máy bay này làm dấy lên nhiều đồn đoán. Trang web quân sự The War Zone là nơi đầu tiên đưa tin, cho rằng đây là sản phẩm của Otto Aviation (trụ sở tại California, Mỹ) và quá trình phát triển sản phẩm này còn rất nhiều điều bí mật.

Giờ đây, những bí mật ấy đã được hé lộ. Với tên gọi Celera 500L, máy bay hình viên đạn gây xôn xao dư luận từ năm 2017 cuối cùng đã được ra mắt trên trang web cùng với những hình ảnh thú vị.

Hình ảnh mẫu máy bay Celera 500L của hãng Otto Aviation. Ảnh: Otto Aviation.

Tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới

Theo thông tin từ nhà sản xuất Otto Aviation, Celera 500L là máy bay tư nhân với sức chứa 6 người, có thể bay với tốc độ của máy bay phản lực nhưng tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 8 lần. Phạm vi hoạt động của nó gấp đôi so với máy bay có kích thước tương đương.

Đây thực sự là tuyên bố táo bạo, CNN nhận định. Trên trang web chính thức, Otto Aviation cho biết đến nay họ đã thử nghiệm 31 chuyến bay thành công với hiệu quả khí động học được chứng minh vào năm 2019. Kết quả này củng cố tuyên bố của hãng rằng "Celera 500L là máy bay thương mại khả thi nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thế giới".

Otto Aviation thành lập năm 2008 và là một nhánh của Otto Laboratories thuộc Bill Otto. Nhà sản xuất này cho biết với mỗi gallon nhiên liệu, Celera 500L có thể bay từ khoảng 29-40 km, trong khi chỉ số này của các máy bay phản lực tương đương là 3,2-4,8 km.

Ngoài ra, chi phí vận hành Calera 500L là 328 USD/h, thấp hơn khoảng 6 lần và phạm vi hoạt động là 4.500 hải lý. Tốc độ hành trình tối đa dự kiến đạt hơn 740 km/h.

“Mục tiêu của chúng tôi luôn là tạo ra chiếc máy bay an toàn và đảm bảo tính riêng tư, có thể thực hiện các chuyến bay thẳng ở Mỹ với tốc độ và chi phí tương đương với các chuyến bay thương mại”, Giám đốc điều hành công ty Bill Otto Jr nói với CNN.

Celera 500L được quảng cáo là máy bay thương mại tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới. Ảnh: Otto Aviation.

Với phạm vi hoạt động như vậy, Celera 500L sẽ có thể bay tới gần như mọi thành phố ở Mỹ mà không cần tiếp nhiên liệu giữa chừng.

Otto Aviation cho biết lý do máy bay có thể đạt được các chỉ số ấn tượng nói trên là nhờ công nghệ dòng chảy tầng.

Thân máy bay Celera 500L tận dụng tỷ lệ chiều dài trên chiều rộng để tối đa hóa dòng chảy tầng. Hình dạng các tầng xếp chồng lên nhau cũng được sử dụng cho cánh và phần đuôi. Bên trong là cabin cao 1,88 m và 6 ghế hạng nhất có thể tùy chỉnh cách sắp xếp.

Thiết kế khí động học tối ưu giúp Celera 500L cần ít mã lực hơn để đạt được tốc độ cất cánh và di chuyển trên hành trình bay. Máy bay này còn được trang bị động cơ RED A03. Otto Aviation cho biết nó có động cơ 6 xi-lanh kép V12 làm mát bằng chất lỏng và mang lại hiệu quả tốt nhất trong các dòng máy bay thuộc phân khúc này.

Dù phiên bản hiện nay không có cửa sổ, nhà sản xuất cho biết mẫu dành cho hành khách sẽ có cửa sổ và công ty sẽ sớm chia sẻ hình ảnh của phiên bản này.

Ông Otto giải thích: “Các cửa sổ sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy tầng, vì chúng được lắp phẳng và có đường nét giống như hình dạng bên ngoài của thân máy bay”.

Hình ảnh mô phỏng phiên bản Celera 500L có cửa sổ. Ảnh: Otto Aviation.

Tiềm năng taxi hàng không

Tuy đã thử nghiệm thành công, Otto Aviation vẫn cần bắt đầu quy trình xin cấp chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), tìm địa điểm đặt cơ sở sản xuất và thu hút những đơn đặt hàng ban đầu.

Nếu thị trường taxi hàng không trở nên khả thi hơn về mặt thương mại và giá cả phải chăng hơn, chắc chắn người tiêu dùng sẽ cảm thấy hấp dẫn trước dịch vụ này, CNN nhận định.

Celera 500L cũng có thể được dùng làm máy bay chở hàng. Thương mại điện tử là một trong những ngành thắng lớn giữa đại dịch.

Người tiêu dùng đánh giá cao việc giao hàng nhanh, ưu tiên nhận được hàng ngay trong ngày hoặc vào ngày hôm sau. Celera 500L có thể hỗ trợ dịch vụ này bằng các tuyến bay thẳng đến sân bay trong khu vực.

Celera 500L có thể được sử dụng để chở hàng. Ảnh: Otto Aviation.

Nhà sản xuất cũng dự định phát triển thêm phiên bản Celera 1000L, mở rộng 20% so với mẫu Celera 500L và vẫn áp dụng công nghệ dòng chảy tầng. Điều này có nghĩa là kích thước cabin gần như tăng gấp đôi, cho phép chở được nhiều hành khách hơn hoặc nhiều hàng hóa hơn.

Nếu quy trình xin chứng nhận của FAA và xây dựng cơ sở sản xuất diễn ra theo đúng kế hoạch, Celera 500L có thể đi vào hoạt động từ năm 2025.

Nếu dịch vụ taxi hàng không trở thành hiện thực trong thời kỳ hậu Covid-19, Celera 500L sẽ có những đối thủ khác.

Trước đại dịch, Paris tuyên bố đang phối hợp cùng nhà sản xuất Airbus để ra mắt dịch vụ taxi hàng không đến thủ đô của Pháp nhằm phục vụ Olympics 2024.

Hãng hàng không Transcend Air có trụ sở tại Boston cũng đang nghiên cứu để ra mắt các chuyến bay 6 người vào năm 2024, di chuyển từ Boston sang các địa điểm khác với giá cả cạnh tranh.

Và vào tháng 1, Uber và Hyundai tiết lộ đang xây dựng mẫu máy bay điện bốn chỗ ngồi, có thể điều khiển bằng ứng dụng. Nhà sản xuất dự kiến ra mắt mẫu máy bay này vào năm 2023.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-lo-ve-may-bay-hinh-vien-dan-cua-my-post1125924.html