Hé lộ về lời nguyền phong thủy ứng nghiệm với thành nhà Hồ

Tương truyền, lúc đó Hán Thương tuy còn trẻ tuổi nhưng đã khá am tường môn phong thủy, khi xem thế đất chọn xây thành nhà Hồ đã nhận ra điều không ổn...

Nằm trên địa phận xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thành nhà Hồ là chứng tích về sự tồn tại của kinh đô nước Đại Ngu – quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ. Xung quanh tòa thành này có một giai thoại phong thủy được dân gian lưu truyền bấy lâu nay.

Theo sách "Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy", khi chọn đất đóng đô, Hồ Quý Ly đã cho các thầy phong thủy tìm long mạch rất cẩn thận. Xem khắp các vùng trong nước, sau cùng ông lựa chọn động An Tôn làm nơi xây đô thành cho triều đại của mình.

Theo tính toán của Hồ Quý Ly, đất này là một vùng đất tốt có hình như quả ấn của trời, lại có long mạch dài hàng ngàn cây số là con sông Mã. Xung quanh lại có nhiều “tiểu long”chầu vào long mạch chủ.

Thực vậy, từ trên thành nhà Hồ mà ngắm nhìn phong cảnh xung quanh cũng dễ dàng nhận ra cảnh quan hùng vĩ, địa thế hiểm trở của vùng này. Bên ngoài có nhiều dãy núi vòng cung bao bọc vây kín bốn phương tám hướng.

Vòng trong có sông Mã, sông Bưởi lượn tròn như những chiến hào tự nhiên vây quanh. Ở trong cùng, một khu đất nổi lên như cái ấn của Trời đặt ở đó. Bên trên là vòm trời xanh được ví như chiếc lọng che cho cái ấn thật huyền ảo.

Sông Mã được xem như long mạch của thế đất này bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào. Uốn lượn như rồng, dòng sông này chảy qua địa phận tỉnh Sơn La rồi chảy sang nước bạn Lào và trở lại đất Việt ở Thanh Hóa.

Con sông này lại có nhiều chi giang đổ vào như sông Luồng, sông Lò, sông Âm, sông Chu, sông Bưởi… Mỗi chi giang này được xem như một chi long mạch hợp vào long tổ.

Hồ Quý Ly khi cho xây thành ở đất này đã rất tâm đắc, ông nói với các con mình rằng: "Đất này là đất Thạch bàn long xà lục thập niên ký". Nghĩa là “thế đất rồng chầu, rắn cuốn vững như bàn thạch có thể trụ được 60 năm”.

Tuy nhiên, con trai thứ của Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương lại có ý kiến khác. Tương truyền, lúc đó Hán Thương tuy còn trẻ tuổi nhưng đã khá am tường môn phong thủy, khi xem thế đất chọn xây thành đã nhận ra điều không ổn.

Hồ Hán Thương đã tâu với vua cha rằng: Quỹ đất này đúng là đất rồng chầu, rắn cuốn nhưng đất còn non nên chỉ gọi là “Long, xà ẩm thủy - Lục niên ký chủ”, nghĩa là “Nơi rồng rắn hút nước, ở được trên dưới 6 năm”.

Có lời kể rằng Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết cũng dâng thư can vua: “An Tôn là vùng đất hẻo lánh, cuối nước đầu non chỉ hợp với loạn mà không hợp với trị”.

Hồ Quý Ly đã phớt lờ tất cả những lời can gián. Cuối cùng, sự tồn tại ngắn ngủi của vương triều Hồ từ năm 1400–1407 đã ứng với lời “tiên tri” của Hồ Hán Thương và Nguyễn Nhữ Thuyết...

Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/he-lo-ve-loi-nguyen-phong-thuy-ung-nghiem-voi-thanh-nha-ho-1916431.html