Hậu trường 5 chuyến bay chở tạng ghép cứu sống 8 người

5 chuyến bay với 8 bệnh nhân được cứu sống là thành quả ban đầu của sự hợp tác giữa hai ngành hàng không và y tế. Nhiều niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội từ những chuyến bay nhân ái này.

Chuyến bay Vietnam Airlines chở tạng hiến

Những chuyến bay dân dụng đặc biệt

Tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (ĐPGTQG) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong vận chuyển mô tạng sáng 31/7, BS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện (BV) Chợ Rẫy không giấu nổi cảm xúc về chuyến ra Hà Nội mới đây nhận tim và thận từ một người hiến bị chết não. “Khi nhận được thông tin từ Hà Nội về việc sẽ có tạng tim và thận để ghép, chúng tôi đã bàn luận nhiều phương án. Khi chọn được hai bệnh nhân chờ ghép tạng, tìm hiểu mới biết hoàn cảnh của họ rất nghèo. Nếu đưa ra Hà Nội phẫu thuật thì chi phí rất cao, bệnh nhân không thể cáng đáng nổi. BV đã quyết định chọn phương án vận chuyển tạng từ Hà Nội vào TP HCM”, BS. Thu kể.

Tuy nhiên, thời gian vàng để bảo quản quả tim là 6 tiếng và quả thận là gần 10 tiếng. Nếu quá trình vận chuyển gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến sẽ thành vô nghĩa. Kế hoạch chi tiết cho chuyến đi được cân nhắc kỹ lưỡng với sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng giữa y tế và ngành hàng không. Khi máy bay hạ cánh, các bác sĩ được “đặc cách” không phải qua các thủ tục như hành khách thông thường mà được xuống máy bay đầu tiên và lên xe cấp cứu chờ sẵn ở cầu thang lên máy bay. Ca ghép tim và thận sau đó đã thành công tốt đẹp.

“Nếu như trên thế giới mới chỉ thực hiện việc chuyển tạng ghép với chặng đường dài nhất là 500km bằng phương tiện chuyên dụng thì chúng ta đã “dám” vận chuyển quả tim - tạng có thời gian lưu trữ ít với quãng đường dài gần 2 nghìn km và thành công”, BS. Thu chia sẻ.

BS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc Gia cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đã có 5 chuyến bay vận chuyển mô, tạng hiến thành công với 8 bệnh nhân được cứu sống. Mặc dù con số chưa nhiều nhưng để có 5 chuyến bay đó là bao cố gắng, hạnh phúc vỡ òa của đông đảo đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành hàng không và những chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines.

Theo chia sẻ của BS. Phúc, có những cuộc hiến, ghép tạng khi nguồn hiến và người nhận, trang thiết bị đã sẵn sàng mà những tưởng phải “đầu hàng” vì thiếu… bác sĩ. Nhờ sự hỗ trợ từ ngành hàng không, dù sát giờ bay, vẫn bố trí vé để đón bác sĩ từ Đà Nẵng về Hà Nội thực hiện phẫu thuật ghép. “Mãi sau này chúng tôi mới biết, để có được 2 vé máy bay kịp thời khi đó, chính một nhân viên hàng không đã ứng tiền túi ra để xử lý”. Hay như ca điều phối vận chuyển một bệnh nhân chờ ghép tim, vô cùng khó khăn, từ TP HCM ra Hà Nội an toàn. “Để có chuyến bay đó, đội ngũ của Vietnam Airlines đã làm xuyên đêm để hỗ trợ chúng tôi lắp đặt thiết bị y tế an toàn hỗ trợ bệnh nhân nặng trong chặng bay dài…”, ông Phúc cho biết.

Biến ước mơ thành hiện thực

Khi còn học tập ở Pháp và được tham gia những chuyến bay ghép tạng, GS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức đã từng suy nghĩ “đến bao giờ Việt Nam mới làm được điều này”. Và điều “không tưởng” lại thành hiện thực và chính ông được tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp với 5 chuyến bay đó. BS. Ước chia sẻ: “May mắn trong 5 ca vận chuyển ghép tim, tôi trực tiếp vận chuyển và ghép tim trong 3 ca đầu và 2 ca sau tham gia chỉ đạo chuyên môn. Với ca vận chuyển tạng đầu tiên, chúng tôi vẫn tự động viên nhau quyết tâm, vì đó là điều không tưởng, chưa bao giờ làm với quãng đường rất xa lại dùng hàng không dân dụng thì rất khó chủ động. Làm chuyên môn, chúng tôi chỉ tâm niệm làm với cái tâm vì bệnh nhân. Mỗi cuộc vận chuyển tạng ghép, chúng tôi coi đó là một trận đánh. Và trước trận đánh, chúng tôi thiết kế chi tiết từng bước theo từng mốc thời gian với người thực hiện cụ thể tính toán chi tiết từng phút, từng giờ…. Nếu ca đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ thì đến ca gần đây nhất đã rất nhẹ nhàng rồi”.

Theo thỏa thuận giữa Tổng công ty Hàng không VN và Trung tâm ĐPGTQG về ghép bộ phận cơ thể người, các thủ tục vận chuyển mô/tạng sẽ được hỗ trợ tối đa và miễn phí ghế ngồi cho thùng đựng mô/tạng trong quá trình điều phối mô/tạng. Bên cạnh đó, để quá trình vận chuyển mô tạng kịp thời gian “vàng”, Vietnam Airlines đã chủ động xây dựng quy trình riêng cho các hoạt động vận chuyển mô tạng cũng như thành lập nhóm xử lý nhanh các tình huống hỗ trợ khẩn cấp theo thời gian thực tế.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Được chứng kiến, đồng hành, chia sẻ công việc với đội ngũ y bác sĩ trong những chuyến bay điều phối tạng cứu người, chúng tôi cố gắng tạo quy trình phối hợp chi tiết 24/7, nhận yêu cầu và xử lý ngay với sự phối hợp nhịp nhàng từ các đơn vị trong Tổng công ty, với cảng vụ, điều phối bay… Nhưng ngoài quy trình tốt, đúng giờ, đảm bảo kỹ thuật, mỗi cán bộ còn cần sự chia sẻ về tình thương và lòng nhân ái để từ đó việc thực thi mới chuẩn xác, thành công cho cả quá trình nhận - ghép. Với vai trò Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, chúng tôi xác định đây là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”.

5 chuyến bay điều phối tạng ghép được thực hiện thành công

Ngày 4/9/2015 và ngày 26/4/2016, Trung tâm ĐPGTQG có 2 chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội vận chuyển 2 quả tim và 2 lá gan.

Ngày 26/2/2018, vận chuyển 1 quả tim và 1 quả thận từ người cho chết não tại Hà Nội vào TP HCM.

Ngày 16/5/2018, vận chuyển một quả tim từ Hà Nội tới Huế.

Ngày 14/6/2018, một trái tim nữa từ Hà Nội cũng đã được vận chuyển an toàn tới Huế kịp thời cứu một bệnh nhi suy tim nặng.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hau-truong-5-chuyen-bay-cho-tang-ghep-cuu-song-8-nguoi-d266522.html