Hậu quả khi doanh nghiệp 'lách luật' cho vay lẫn nhau

Trong hợp đồng hợp tác đầu tư, các bên thỏa thuận quy định về tỷ lệ 'phí sử dụng vốn', bản chất lại là lãi vay...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Pháp luật không cấm doanh nghiệp cho vay nhưng phải tuân thủ các quy định hướng dẫn về giao dịch tài chính doanh nghiệp và lãi suất theo Bộ luật Dân sự.

PHÍ SỬ DỤNG VỐN VAY 16,5%

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty F. và Công ty C.

Hồ sơ thể hiện, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, ngày 6/9/2012, hai công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung Công ty F. đầu tư vào Công ty C. để thực hiện các dự án kinh doanh xây dựng tại các nước châu Phi. Nguyên tắc được đưa ra là Công ty C. phải sử dụng số tiền góp vốn đúng phương án kinh doanh, an toàn và hiệu quả.

Theo đó, Công ty C. sẽ phải thanh toán cho Công ty F. “chi phí sử dụng vốn góp” là 16,5%/ tổng số tiền góp vốn. Thời gian góp vốn là 24 tháng và Công ty F. đã góp vố số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Sau một thời gian, Công ty F. nhận thấy nguy cơ đối tác sử dụng vốn sai mục đích và có khả năng mất vốn nên thông báo với Công ty C. về kế hoạch hoàn lại vốn góp. Đến hết thời hạn cam kết ngày 10/12/2014, Công ty F. yêu cầu đối tác phải thanh toán số tiền hơn 40 tỷ đồng gồm tiền gốc và phí sử dụng vốn.

Quá trình làm việc, Công ty C. thừa nhận chưa xin được giấy phép xây dựng và các giấy phép con tại thị trường các nước Châu Phi. Do đó, Công ty F. buộc phải khởi kiện ra tòa án để đòi lại tiền góp vốn.

Quá trình tố tụng, Công ty C. cho rằng, hợp đồng giữa các bên là thỏa thuận góp vốn nhằm hợp tác kinh doanh. Khi ký kết hợp đồng, hai bên đều hiểu rõ bản chất là góp vốn đầu tư, có lợi nhuận thì phân chia và có rủi ro thì cùng gánh chịu.

Về tỷ lệ phí sử dụng vốn 16,5%, Công ty C. hiểu rằng đây là tỷ lệ mà đối tác đã phân chia đối với kết quả đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật về đầu tư. Trong hoạt động kinh doanh, kết quả đầu tư có thể là các khoản lợi nhuận dương (kinh doanh có lãi) nhưng cũng có thể là rủi ro, thiệt hại (thua lỗ) nên việc phân chia kết quả đầu tư kinh doanh được hiểu rằng bao gồm việc phân chia lợi nhuận và rủi ro, thiệt hại.

Phía Công ty C. cho rằng đã đầu tư toàn bộ tiền góp vốn vào các dự án, triển khai nhiều hạng mục, có hạng mục đã hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị các đối tác thanh toán. Nhưng, do có sự khác biệt về hệ thống pháp luật và bất cập trong quá trình phối hợp giữa các đơn vị chức năng của các nước sở tại nên công ty gặp khó khăn. Các khó khăn, vướng mắc này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty. Vì vậy, công ty mong nhận được sự hợp tác, chia sẻ tích cực từ Công ty F. trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Công ty C. khẳng định, việc khởi kiện của Công ty F. bao gồm khoản tiền phát sinh do sử dụng vốn là không phù hợp quy định về hoạt động hợp tác kinh doanh.

HỢP ĐỒNG HỢP TÁC BẢN CHẤT LÀ CHO VAY

Theo tòa án, Điều 3 hợp đồng quy định “Trong mọi trường hợp, bên B phải trả cho bên A khoản phí sử dụng vốn cố định tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số vốn góp. Tỷ lệ phí sử dụng mà bên A được nhận áp dụng trong vòng 180 ngày kể từ ngày góp vốn là 16,5%. Trong mọi trường hợp, bên B có nghĩa vụ thanh toán cho bên A phí sử dụng vốn theo tỷ lệ cố định này”.

Tòa án nhận định, đây là hợp đồng vay có thời hạn và phải trả lại, mặc dù hợp đồng không quy định về lãi nhưng các bên đều hiểu và xác nhận là phí sử dụng vốn thực chất là tiền lãi.

Xem xét thỏa thuận này, tòa án nhận thấy hợp đồng được ký kết năm 2012 nên cần áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 để xem xét tính hợp pháp của thỏa thuậ giữa các bên. Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

Căn cứ vào Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về: xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật dân sự 2005, tòa án xác định mức lãi suất trong hạn cao nhất không quá 13,5% và lãi suất quá hạn là 9%. Như vậy, tổng số tiền Công ty C. phải thanh toán là hơn 38,8 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hau-qua-khi-doanh-nghiep-lach-luat-cho-vay-lan-nhau.htm