Hậu Lộc: Đảm bảo an toàn phương tiện đánh bắt mùa mưa bão

Để tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo cho người và phương tiện đánh bắt hoạt động trên biển giảm thiểu rủi ro thiệt hại trong mùa mưa bão, huyện Hậu Lộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời.

Khu neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa Lộc thường xuyên bị quá tải tàu thuyền mỗi khi có mưa bão.

Hậu Lộc hiện có 698 phương tiện khai thác thủy sản, với tổng công suất trên 130.702 CV (trong đó tàu cá có chiều dài dưới 12m là 235 tàu, 212 tàu chiều dài từ 12m đến dưới 15m, còn lại là tàu cá chiều dài trên 15m); khoảng 4.030 lao động tham gia hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của huyện đạt 16.394 tấn, đạt 46,84% kế hoạch.

Mùa mưa bão, sóng to, gió lớn thường gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tránh, trú bão. Trong khi đó, một số tàu thuyền chưa được trang bị đầy đủ phương tiện cứu nạn, thông tin liên lạc, phòng chống cháy nổ. Khu vực neo đậu thuyền tránh trú bão tại Cảng cá Hòa Lộc diện tích chật hẹp, thường xuyên bị quá tải tàu thuyền mỗi khi mùa mưa bão đến. Trong năm 2021, huyện Hậu Lộc có 3 tàu cá xã Ngư Lộc bị cháy ở khu neo đậu, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng…

Nhằm chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh bắt trong mùa mưa bão, huyện Hậu Lộc đã tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị các phương tiện như: áo phao, lắp đặt máy định vị vệ tinh, la bàn, máy thông tin liên lạc tầm xa HF, máy bộ đàm, radio… Các tàu thuyền khai thác tổ chức thành đoàn, tổ, đội sản xuất từ 4 tàu cá trở lên, có ít nhất 1 máy ICOM/máy thông tin liên lạc tầm xa HF để kịp thời thông tin liên lạc khi có sự cố xảy ra.

Khi có bão gần, chủ tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải thực hiện chế độ báo ít nhất 3 lần/ngày, giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ với đài của Bộ đội Biên phòng. Kịp thời di chuyển vào các điểm tránh trú bão gần nhất để đảm bảo an toàn. Khi tàu cá xảy ra sự cố trên biển, phải thông tin các tàu khai thác thủy sản gần nhất ứng cứu lẫn nhau, thông tin ngay cho các Đài thông tin duyên hải để được giúp đỡ.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc cho biết, với diện tích chỉ 18ha, sức chứa tối đa 264 tàu, khi có mưa bão lượng tàu thuyền tại khu neo đậu thuyền tránh trú bão tăng gấp 1,5 lần, dẫn đến quá tải. Hơn nữa, tại khu vực tránh bão, luồng lạch thường xuyên bị bồi lắng, đặc biệt là trong những ngày sóng to, gió lớn.

Hàng năm, đơn vị đã xây dựng phương án, phối hợp lực lượng chức năng, các xã ven biển hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu trong khu vực cảng đúng quy định, tuyệt đối không để tàu, thuyền neo đậu khu vực cầu cảng, trên tuyến luồng ra vào; chú trọng hỗ trợ ngư dân, tàu thuyền trong tìm kiếm cứu nạn…

Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và ngư dân với nhiều giải pháp cụ thể; trong đó tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCTT&TKCN, hướng dẫn, sắp xếp tàu cá neo đậu đảm bảo an toàn; tổ chức cho chủ tàu, thuyền rà soát, trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng.

TRUNG LÊ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hau-loc-dam-bao-an-toan-phuong-tien-danh-bat-mua-mua-bao/24414.htm