Hậu bầu cử, Đức thêm 'đòn đau' vì hai từ yêu thích của ông Trump, Mỹ và châu Âu có nhiều thứ để mất
Với việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu lo ngại về làn sóng thuế quan có thể dẫn đến chiến tranh thương mại. Các doanh nghiệp có phản ứng thái quá hay Liên minh châu Âu (EU) cần chuẩn bị tốt hơn?
Vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ là người thích thuế quan. Ông Trump từng tuyên bố rằng, thuế quan là hai từ mà ông yêu thích nhất.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại vị với tư cách là tổng thống Mỹ, ông đã đưa quy định thuế quan với một loạt các mặt hàng như máy giặt, tấm pin Mặt trời, thép và nhôm nhập khẩu... Điều này gây ảnh hưởng đến các quốc gia trên khắp thế giới, dù là đồng minh chính trị hay không.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông đã hứa hẹn nhiều hơn thế. Ông tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau đó tăng lên 20%. Bất kỳ hàng hóa nào từ Trung Quốc đều sẽ bị đánh thuế 60%.
Thuế quan - mối đe dọa với châu Âu
Ông Trump đã tập trung nhiều sự chú ý vào Trung Quốc, nhưng theo hãng tin DW, EU là "Trung Quốc thu nhỏ" với ông.
Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại 240 tỷ USD với châu Âu. Các nước như Đức, Italy, Ireland và Thụy Điển là những nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ và chiếm phần lớn mức thâm hụt này.
Trong khi đó, nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU và dầu khí là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang khối 27 thành viên.
Vào cuối tháng 10, "người đàn ông thuế quan" cảnh báo rằng, ông không hài lòng với cán cân thương mại này và khẳng định châu Âu sẽ phải “trả giá đắt” nếu không nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ.
EU bán hàng hóa cho Mỹ nhiều hơn là mua từ nước này, nhưng cả hai có nhiều điểm chung và cũng có nhiều thứ để mất.
Xung đột thuế quan giữa hai bên cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu ông Trump tung loạt thuế quan mới, chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa tương ứng từ khối 27 thành viên. Điều này sẽ khiến hàng hóa châu Âu đắt hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, đẩy giá cả nói chung lên cao và góp phần gây ra lạm phát.
Thuế quan cao của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng có thể gây tổn hại cho châu Âu. Nếu Bắc Kinh không xuất khẩu sang Washington, họ sẽ tìm đến châu Âu, bán hàng hóa với giá rẻ hơn.
Đức thiệt hại nặng nề
Các chuyên gia cho biết, chính sách kinh tế mà ông chủ Nhà Trắng mới đề xuất sẽ gây ra những vấn đề lớn cho EU và đặc biệt là Đức.
Nhấn mạnh điều này, Niclas Poitiers, nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu Bruegel chuyên về thương mại và kinh tế quốc tế nói, thuế quan của ông Trump là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các quốc gia hướng tới xuất khẩu như Đức.
"Nền kinh tế châu Âu vẫn đang chao đảo vì quyết định sai lầm khi mua năng lượng từ Nga và chịu ảnh hưởng từ nhu cầu giảm từ Trung Quốc. Thuế quan của ông Trump càng làm cho triển vọng kinh tế của châu Âu trở nên u ám hơn", ông khẳng định.
Trong khi đó, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, ông Clemens Fuest, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich (Đức) đã cảnh báo về một chương trình nghị sự bảo hộ rõ rệt dựa trên mức thuế nhập khẩu cao hơn và những hạn chế lớn hơn đối với thương mại quốc tế. Trung Quốc và có khả năng là cả châu Âu sẽ là những nền kinh tế "chịu trận".
Viện Ifo tính toán rằng, mức thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Hoa Kỳ giảm khoảng 15% và gây thiệt hại kinh tế 33 tỷ EUR (tương đương 35,3 tỷ USD).
Viện Kinh tế Đức cũng tính toán, một cuộc chiến thương mại với mức thuế 10% ở cả hai bên có thể khiến nền kinh tế Đức thiệt hại 127 tỷ EUR trong nhiệm kỳ bốn năm của ông Trump tại Nhà Trắng.
Mức thuế 20% có thể khiến nền kinh tế Đức thiệt hại 180 tỷ EUR.
Mục đích của ông Trump
Tại châu Âu, đầu tàu kinh tế đang tăng trưởng chậm. Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU - hiện đang hướng đến năm thứ hai liên tiếp suy thoái. Đất nước này đặc biệt phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô để tăng trưởng. Mức thuế quan mới của Mỹ sẽ giáng "đòn đau" với Berlin.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Đức công bố, EU cần tăng cường khả năng cạnh tranh của chính mình, củng cố năng lực phòng thủ và giải quyết các thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn các mức thuế quan mới ngay từ đầu.
Nếu điều đó không hiệu quả thì sẽ cần các biện pháp đối phó, nhưng điều này cũng cần một "mặt trận" thống nhất từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU.
Bà Penny Naas, chuyên gia chính sách công tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ tại Washington cho hay, ông Trump tin rằng thuế quan là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy mục tiêu sản xuất trong nước và tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán quốc tế.
"Tổng thống đắc cử coi thuế quan là một cách hiệu quả để cân bằng lại thâm hụt thương mại. Các ưu tiên thuế quan hàng đầu của ông có thể sẽ là thép, ô tô", bà Penny Naas dự báo.
Bà Penny Naas nói thêm rằng, ông chủ Nhà Trắng mới đã sử dụng mối đe dọa về thuế quan để giành được sự nhượng bộ từ các đối tác thương mại trong quá khứ.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các quốc gia có thâm hụt thương mại đã bắt đầu đàm phán với để mua thêm hàng từ nền kinh tế hàng đầu thế giới", chuyên gia chính sách công tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ nêu quan điểm.
Còn ông Poitiers của Bruegel nhấn mạnh rằng, thuế quan của ông Trump sẽ không dẫn đến sự kết thúc của toàn cầu hóa và thương mại - điều mà một số người lo ngại.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump có thể đánh dấu sự kết thúc của toàn cầu hóa do Mỹ lãnh đạo, ông Poitiers dự báo.
Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia vẫn quan tâm đến việc hợp tác và làm việc cùng nhau. Với châu Âu, điều quan trọng là khu vực này phải tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu sắc hơn. "Châu Âu nên xây dựng liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng để duy trì sự thịnh vượng trong tương lai", ông Poitiers khẳng định.