Hành trình đưa đồng bào Rục hòa nhập cộng đồng

Từ chỗ sống tách biệt trong những hang đá giữa rừng già, đối diện với nguy cơ bị diệt vong, giờ đây đồng bào Rục đã tự tin hòa nhập cộng đồng. Cuộc sống của hàng chục hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang khởi sắc nhanh chóng. Sự hồi sinh mãnh liệt của đồng bào Rục có sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đóng góp, hi sinh thầm lặng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đức Trí

Trong sáng sớm ngày Xuân, bản làng Mò O Ồ Ồ, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đẹp như một bức tranh đa sắc màu. Những tia nắng đầu tiên của bình minh xua tan màn sương trắng, nhiều ngôi nhà kiên cố với mái tôn đỏ nằm san sát nhau hiện lên rõ nét. Bao quanh bản làng, rừng núi một màu xanh ngắt, tiếng chim hót rộn ràng. Ở trung tâm bản làng của đồng bào Rục, nhịp sống trở nên sôi động khi mọi người kéo về những bể nước rửa mặt, giặt rũ và lấy nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình.

Sau bữa sáng với cơm gạo mới được gặt từ cánh đồng Rục Làn, già làng Cao Ên mang chiếc ghế đến ngồi bên hiên nhà nhâm nhi cốc nước màu đỏ được nấu từ một loại cây rừng. Ông ngồi ngả mình để ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào tấm thân mình. Khi được hỏi, ông trầm ngâm kể về câu chuyện của đồng bào mình: Đồng bào Rục và Arem là hai nhóm người thuộc dân tộc Chứt, từ xa xưa, đã quen sống cách ly với cộng đồng các dân tộc khác. Họ sống dựa vào nguồn thức ăn thu được từ hái lượm, săn bắt. Thức ăn chủ yếu của người Rục là bột nhúc, thu được từ cây đoác (một loại cây rừng).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Rục sợ hãi, chạy trốn vào rừng sâu để không ai nhìn thấy, không ai làm hại. Hết ngọn núi này đến con suối khác, người Rục quên dần ăn hạt cơm của ông bà, tổ tiên, quên tắm rửa, cắt tóc, quên mặc quần áo..., chui lủi như con chồn, con dúi, chết dần, chết mòn chỉ còn gần 40 người từ già đến trẻ. Kể đến đây, mặt già làng người Rục nheo lại, rồi im lặng.

Chỉ khi Thượng úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cà Xèng xuất hiện ở sân nhà, khuôn mặt của già làng Cao Ên mới giãn ra. Ông nhấp thêm ngụm nước, rồi kể tiếp câu chuyện với lời khẳng định chắc nịch: “BĐBP chính là những người đã hồi sinh dân tộc chúng tôi”. Vào giữa năm 1959, Tổ tuần tra Đồn Công an vũ trang Óc Sách (nay là Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình) cùng dân quân địa phương đi tuần tra biên giới đã bắt gặp “người lạ”. Họ leo trèo trên cây thoăn thoắt như vượn, khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ liền lẩn vào rừng sâu.

Thông tin phát hiện nhóm người lạ được báo cáo về Ban Chỉ huy Công an vũ trang tỉnh Quảng Bình, xin chỉ đạo. Sau đó, Đồn Công an Óc Sách được giao nhiệm vụ tiếp tục cử lực lượng tìm kiếm nhóm người “kỳ bí” trong rừng sâu và tìm cách đưa họ tái hòa nhập cộng đồng. Tổ công tác do đồng chí Nguyễn Cương làm Đội trưởng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ và dân quân địa phương len lỏi giữa rừng già, băng rừng, trèo đèo, lội suối, vượt qua thác ghềnh lần theo dấu vết. Sau quãng thời gian dài, họ đã gặp được nhóm người lạ đang quây quần bên đống lửa, trên người che những tấm vỏ làm từ cây rừng. Da mặt ai cũng đen sạm, tóc bù xù chấm vai.

Lúc này, đồng chí Nguyễn Cương trấn tĩnh bước ra. Thế nhưng trông thấy anh, họ kinh hãi bỏ lại tất cả, chạy vào rừng sâu. Thấy vậy những người làm nhiệm vụ chạy theo, quyết không để mất dấu thêm lần nữa. Nhưng bất ngờ, trước mắt họ hàng chục thân cây vót nhọn lao ra cắm xuống mặt đất. Nhóm người lạ một lần nữa lại mất hút. Phải mất nhiều tuần nữa lực lượng tìm kiếm mới tìm ra “thủ phủ” của những người sống giữa rừng sâu, đó là những hang đá thuộc dãy núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. Thế nhưng, khi phát hiện những cán bộ Công an vũ trang, họ lại nhanh chóng lẻn sâu vào hang tối.

Lúc này, tổ công tác phải chia làm đôi, một ở lại “gác” ở hang đá, không cho nhóm người lạ ra ngoài di chuyển đến địa điểm khác, số còn lại quay về tìm một già làng người Mày biết tiếng của đồng bào Rục vào làm phiên dịch. Thời gian chờ đợi, những cán bộ, chiến sĩ giữa rừng đào củ mài, củ sắn, lấy nước uống đưa sát vào cửa hang đá để tiếp tế như muốn truyền một thông điệp an lành tới những người trong hang.

Khi già làng người Mày xuất hiện, ông đứng trước cửa hang nói vọng vào trong những điều mà cán bộ Công an vũ trang mong muốn. Hiểu được ý, 38 người lần lượt kéo nhau ra khỏi hang đá. Những ngày tiếp theo, thông qua “phiên dịch”, tổ công tác Công an vũ trang đã vận động được nhóm người Rục ra khỏi rừng về định cư tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, thành lập bản, đặt tên là Cù Nhái.

Cán bộ BĐBP Quảng Bình hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước. Ảnh: Đức Trí

Về định cư ở Cù Nhái, đồng bào Rục được cán bộ Công an vũ trang giúp làm nhà, lo cho từ viên thuốc chữa bệnh, chỉ cho cách làm nên hạt lúa ở trên đồi. Đám thanh niên theo bộ đội lao động sản xuất và canh giữ nương rẫy, bản làng. Cuộc sống của đồng bào Rục cũng hồi sinh từ đó.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là hiệu quả từ những dự án do BĐBP Quảng Bình triển khai, cuộc sống của đồng bào Rục đang khởi sắc nhanh chóng. Bản làng giờ đây đã có đường, có điện lưới quốc gia, con em bà con được học hành; nhiều gia đình có ti vi, xe máy, tài sản đắt tiền. Đồng bào Rục đang tự tin hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em. Những đổi thay của đồng bào Rục hôm nay có công lao đóng góp và sự nỗ lực, quyết tâm không biết mệt mỏi của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình trong 60 năm qua.

Trong 60 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân thuộc BĐBP Quảng Bình đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, gồm: 11 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 4 Huân chương Lao động; 92 Huân chương Chiến công; Chủ tịch nước CHCDND Lào tặng thưởng 2 Huân chương Hữu nghị; Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Cờ thi đua, 9 Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng 7 Cờ thi đua, 37 Bằng khen; UBND tỉnh tặng 11 Cờ thi đua, 171 Bằng khen; Bộ Tư lệnh BĐBP và các bộ, ngành Trung ương tặng hàng trăm danh hiệu, phần thưởng khác...

Ngô Văn Dũng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hanh-trinh-dua-dong-bao-ruc-hoa-nhap-cong-dong/