Hạnh phúc giản dị

Ở Trung tâm Thận - Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) người ta đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông dáng người nhỏ thó chăm người vợ chạy thận suốt gần 10 năm nay. Ông là Nguyễn Văn Mạc ở Đội 3, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì. Từng ấy năm, không chỉ đảm đương vai trò là người chồng, 'bác sĩ' cho vợ, ông Mạc còn trở thành 'đôi mắt' của bà.

Vợ của ông Mạc, bà Nguyễn Thị Cọ được chẩn đoán suy thận độ 4 từ năm 2013. Trước đó, ca mổ thận từ những năm 80 của thế kỷ trước đã khiến một bên thận của bà gần như không còn chức năng hoạt động. Cách đây 8 năm, suy thận cùng với biến chứng của bệnh tiểu đường đã khiến đôi mắt của bà không còn khả năng phục hồi.Mỗi tuần, bà Nguyễn Thị Cọ lại chuẩn bị tư trang bắt xe đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hành trang gồm chiếc gối, chiếc chăn, hộp đựng kim tiêm, chút tiền và một nắm xôi để lót dạ giữa mỗi ca chạy thận. Hành trình 10 năm chạy thận của bà chưa bao giờ thiếu vắng hình bóng của người chồng đã ở tuổi bát thập.

Ông Mạc nhớ lại cái ngày ông bà quen nhau. Khi đó, hai người cùng làm xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Lô. Ông bà có với nhau ba người con. Không may, con trai đầu của ông bà trí tuệ kém phát triển nên dù đã gần 80, ông bà vẫn phải lo lắng, chăm sóc.Câu chuyện của ông Mạc thường trực câu nói: “Ngày xưa bà ấy vất vả lắm!” Bà bật cười nhớ lại ngày nhận lời làm vợ ông khi nghe lời hứa: “Anh sẽ không bao giờ để em phải khổ”.Sau 50 năm bên nhau, đúng là ông Mạc chưa bao giờ vắng mặt trong những sự kiện quan trọng của đời bà, cả khi sinh nở hay yếu đau, bệnh tật. Dù cả nhà sáu miệng ăn trông vào suất lương hưu bốn triệu của một công nhân cơ khí về hưu, ông cũng chưa bao giờ để bà lỡ một ca chạy thận nào.

Bệnh tật khiến khuôn mặt của bà Cọ gần như biến dạng. Chân run, mắt lòa, mọi sinh hoạt của bà phải trông chờ vào ông. Dù là ngồi đợi bà ba tiếng mỗi ca chạy thận hay dìu bà từ trên thềm xuống sân, ông chưa bao giờ buông lời than: “Vợ chồng lấy nhau, thương nhau suốt bao năm qua. Bà ấy cùng tôi chung sức, chung lòng, nuôi dạy con cái vất vả. Giờ bà ấy đau yếu, tôi chăm sóc cũng là điều bình thường”. Ông Mạc có một cuốn sổ tay ghi lại những điều lưu ý khi chăm bệnh nhân suy thận. Ông ghi chép rành rọt những món được ăn, món không nên ăn nhiều, uống thuốc giờ nào, chế độ vận động đi lại ra sao. Bàn tay ông run rẩy của chứng đau thần kinh tọa nhưng thay bông, tiêm thuốc cho vợ lại rất thuần thục. Khi được hỏi, ông chỉ cười bảo mình để ý bác sĩ rồi làm theo thôi. Đi qua nửa đời người, trải qua bao mưa bom bão đạn của chiến tranh không làm ông Mạc sợ hãi như khi bệnh của vợ trở nặng cuối năm ngoái. Khi ấy ông tưởng mất bà mãi mãi nhưng may mắn thay, số phận đưa bà trở lại để ông được tiếp tục chăm sóc. Các bác sĩ và bệnh nhân trong Trung tâm Thận - Lọc máu đã quá quen với hình ảnh đôi vợ chồng già dắt tay nhau đi qua dãy hành lang bệnh viện. Ngày đưa vợ đi chạy thận, tối chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, thỉnh thoảng ngồi ghi chép lại hành trình chữa bệnh cho vợ. Trong căn nhà cấp 4, hai bàn tay chai sạn già nua lại luôn nắm thật chặt, đỡ đần nhau vượt qua khó khăn cuộc đời. Trong suốt 10 năm, vợ chồng ông bà Mạc – Cọ là câu chuyện đẹp giữa đời thường.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202107/hanh-phuc-gian-di-177983