Hàng trăm người dân sống thấp thỏm bên miệng 'hà bá'

Từ một bãi bồi trù phú, trong vòng 5 năm, nhiều héc ta đất nông nghiệp ven sông Chu bị 'hà bá' nuốt. Các phương án đóng cọc tre, đổ đất đá gia cố bờ sông đều không hiệu quả.

Ghi nhận tại bờ sông Chu, đoạn qua thôn Hải Mậu, một trong 3 thôn chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng sạt lở bờ sông tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), những vạt ngô, hoa màu xanh tốt đang nằm chênh vênh bên vách đất chực chờ đổ ập xuống làn nước.

Men theo bờ sông qua các thôn Minh Thành, Hải Thành và Hải Mậu, một cung sạt lở kéo dài lên đến 1,6km, nhiều vị trí sạt có độ cao trên 5m, ăn sâu vào bờ tới 20m thành "hàm ếch". Theo tính toán của những hộ có đất canh tác ở bờ sông, cứ mỗi năm, "hà bá" lại ngoạm đi 15m đất hoa màu của họ. Nghiêm trọng hơn, tại một số điểm, vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà dân khoảng trên 50m.

Thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều người dân xã Thọ Hải cho biết, tình trạng sạt lở diễn ra từ năm 2017 đến nay. Tình trạng này bắt đầu tồi tệ hơn khi các mỏ cát dọc sông Chu lần lượt được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép và rầm rộ đi vào hoạt động khiến dòng chảy cố định của con sông bị thay đổi. Mỗi mùa lũ về, các vết sạt cứ thế kéo rộng và dài hơn, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của con người.

Ông Đỗ Bá Cường (trú tại thôn Hải Thành) cho biết, gia đình có 3 sào đất trồng màu ven sông. Trước thực trạng bờ sông bị sạt lở trong thời gian qua, ông Cường lo lắng khi vết sạt ngày càng ăn sâu vào phần đất của gia đình, kéo theo nhiều diện tích hoa màu trôi tuột xuống sông.

"Nhà có 4 nhân khẩu, chỉ trông chờ vào ruộng vườn để kiếm kế sinh nhai. Trong vòng 3 năm trở lại đây, con sông đã cuốn đi hơn 1 sào đất. Với phần diện tích còn lại, hiện vẫn bị ăn mòn từng ngày, trong tương lai không xa có thế mất hết nếu không có biện pháp ứng phó", ông Cường nói.

Đất bãi bồi ngày càng thu hẹp.

Theo ông Cường, ngoài nguyên nhân chính là mưa lớn xảy ra hằng năm, tình trạng sạt lở diễn ra do việc khai thác cát, cắm vòi hút trực tiếp vào bờ sông. "Cứ đà này chẳng mấy chốc bờ sông sẽ ăn sâu vào làng. Khi đó, sẽ không chỉ mất đất sản xuất mà ngay cả đất thổ cư, nơi có những ngôi nhà của người dân cũng chưa chắc giữ được. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân các thôn kiến nghị nhiều lần, thậm chí kéo nhau lên xã yêu cầu các mỏ cát dừng hoạt động nhưng đều không có kết quả", ông Cường bức xúc nói.

Ông Vũ Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hải cho biết, hiện toàn xã có hơn 80 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu bị ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp vì tình trạng sạt lở bờ sông. Vào các mùa mưa bão, chính quyền luôn phải cắt cử người theo dõi tình hình và luôn sẵn sàng các phương án để di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Về giải pháp tình thế, lực lượng chức năng trồng tre, keo, xoan và đắp các bao cát dọc bờ sông nhưng chỉ sau 1 mùa mưa, các tấm "lá chắn" này lại bị cuốn trôi vào biển nước. "Đúng là làm như vậy chỉ là tạm thời, vì thực trạng sạt lở tại bờ sông Chu hiện rất nghiêm trọng. Về lâu dài, cách xử lý tốt nhất là làm kè ven sông mới đảm bảo an toàn và giữ đất cho bà con được. Tuy nhiên, để làm thì kinh phí rất lớn, có lẽ nguồn ngân sách của xã và huyện gộp lại cũng không đủ, bởi vậy, giờ chỉ có thể chờ tỉnh sớm lập dự án để xây kè chắn kiên cố", ông Dũng nói.

Giải pháp lâu dài theo chính quyền địa phương xây kè kiên cố.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT, UBND huyện Thọ Xuân cho biết, trước thực trạng sạt lở tại bờ sông xã Thọ Hải, đã cho căng bạt, đắp các con chạch chống tràn, tránh các dòng nước trực tiếp xoáy vào các mái sạt. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các trọng điểm chức năng phòng chống sạt lở công trình, giao nhân lực vật tư cho địa phương.

"Huyện đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để báo cáo về tình trạng sạt lở bờ sông, đồng thời có kiến nghị, đề xuất phương án hỗ trợ địa phương như xây kè để kiên cố hóa", ông Tuấn cho biết.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-tram-nguoi-dan-song-thap-thom-ben-mieng-ha-ba-169231207104059929.htm