Hàng trăm người chờ được dời khỏi chung cư có nguy cơ sập ở TP.HCM

Nhiều người dân ở chung cư Vĩnh Hội (quận 4) đang sống trong điều kiện xuống cấp, nguy hiểm cận kề. Họ không dám rời đi vì chưa có chính sách di dời và đền bù phù hợp.

"Mỗi đợt mưa gió, gia đình tôi không dám đi ngoài hành lang chung cư. Những mảng tường từ trên trần nhà bong tróc xuống, rất nguy hiểm", bà Thanh Tâm (sống tại căn hộ 228A, chung cư Vĩnh Hội) thở dài, chỉ lên trần chung cư đã bị nứt vỡ dù gia đình đã tiến hành cải tạo nhiều lần.

Chung cư Vĩnh Hội (quận 4) được xây dựng trước năm 1975, quy mô 4 tầng với diện tích khoảng 3.200 m2. Chung cư nơi bà Tâm sống được Sở Xây dựng TP.HCM thẩm định mức độ nguy hiểm cấp D, tức khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, cần phá dỡ khẩn cấp.

Bà Tâm sống trong chung cư Vĩnh Hội đã hơn 50 năm. Gia đình tám người sống trong căn hộ rộng hơn 30 m2, chật chội và cũ kỹ.

Ám ảnh

Theo chỉ dẫn của bà Tâm, chúng tôi đi về phía cầu thang chung cư, rồi vòng ra hành lang... Nhiều mảng tường bị bong tróc, những đoạn lan can xiêu vẹo, mảng bê tông, thạch cao trên trần nhà bị bong tróc trông nhếch nhác. Ở giữa khoảng trống của những căn nhà, nhiều nơi ngập trong rác thải, bốc mùi khó chịu.

Trong trí nhớ của bà Tâm, chung cư Vĩnh Hội hồi mới xây khá đẹp. Bên dưới chung cư có khu chợ bán đồ dân sinh trong buổi sáng. Trong bán kính chưa đầy vài km, xung quanh chung cư có bệnh viện, trường học, công viên...

Bên ngoài hành lang, hai gia đình hàng xóm đã chuyển đến nơi ở mới được gần một năm vì e ngại điều kiện sống nguy hiểm. Dù rất mong mỏi có chỗ ở mới, người phụ nữ vẫn không dám đi theo vì chưa biết chính sách đền bù có thỏa đáng hay không.

"Thỉnh thoảng, xe tải trọng lớn chạy ngoài đường làm nhà tôi bị rung rinh theo. Cứ cách 2-3 năm, tôi lại tu sửa cho nhà cửa gọn gàng. Ít thì tốn vài triệu, nhiều thì vài chục triệu", bà Tâm nhớ lại.

Những mảng bê tông bị bong tróc theo thời gian. Ảnh: Duy Hiệu.

Tương tự, bà Tăng Quang Như (sống tại căn hộ 119C) cũng chung cảnh thấp thỏm khi sống tại chung cư Vĩnh Hội. Gia đình ba người sinh hoạt trong căn hộ 38 m2 đã được hơn 50 năm. Vào mùa mưa, người phụ nữ không cho cháu trai đi lại ngoài hành lang vì sợ trần nhà bị bong tróc, rơi xuống.

"Nhà tôi thường bị dột, gia đình cũng hay tu sửa lại. Tôi tráng lại tường, làm lại đường ống nước và toilet dẫn ra ngoài. Nếu không thông ra thì bên trong nhà dơ lắm", bà Như cho biết.

Bà Như từng buôn bán đồ ăn trong khu chợ bên sân chung cư Vĩnh Hội. Khi phải di dời, người phụ nữ lo nguồn thu nhập có thể mất đi. "Nếu rời đi, gia đình tôi cũng tiếc, nhưng ở lại thì nguy hiểm, lúc nào chung cư cũng có thể đổ sập xuống", bà Như thở dài.

Chờ phương án di dời

Theo các hộ dân sinh sống tại chung cư Vĩnh Hội, chính quyền nhiều lần mời các cư dân bàn bạc phương án di dời ra nơi ở mới, cũng như chính sách đền bù. Tuy nhiên, đến nay phương án hỗ trợ người dân vẫn chưa được thống nhất.

Bà Thanh Tâm cho biết trong thời gian chờ đợi phương án tái định cư, người phụ nữ không dám tu sửa lại nhà. Giống như bà Tâm, nhiều cư dân không biết khi nào mới có thông báo mới về tình trạng chung cư, cũng như phương án đền bù liệu có phù hợp.

"Hầu hết người dân sống trong khu vực này là dân lao động nghèo, không có việc làm ổn định. Như gia đình tôi, khi các con cháu lớn lên buộc phải rời khỏi chung cư, nhưng cũng chỉ là thuê nhà chứ khó mua được căn hộ mới. Người dân ở đây ai cũng mong có phương án đền bù hợp lý", bà Thanh Tâm chia sẻ.

Người dân ở chung cư Vĩnh Hội mong mỏi sớm có phương án di dời, cũng như chính sách đền bù hợp lý để ổn định cuộc sống. Ảnh: Vân Trang.

Hiện, TP.HCM có 1.568 chung cư với trên 1.800 lô, trong đó có 474 chung cư xây trước năm 1975. Ngoài chung cư Vĩnh Hội, trên địa bàn thành phố còn 15 chung cư cấp D bắt buộc di dời (rải rác các quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình). Đến nay, tiến độ di dời vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Trước đó, TP.HCM quyết định ủy quyền phân công TP Thủ Đức và UBND các quận được toàn quyền chủ động cải tạo nhà chung cư cần tháo dỡ. Quận, huyện có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết thành phố đặt ra mục tiêu rất lớn về việc cải tạo chung cư cấp D. TP.HCM thống nhất cho phép các đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của khu vực chung cư cũ cấp D.

Những chung cư có diện tích quá nhỏ dưới 1.000 m2 và không thích hợp xây dựng lại chung cư tại cùng vị trí thì có thể di dời người dân đến quỹ nhà được bố trí. Sau đó, thành phố sẽ phá dỡ chung cư, điều chỉnh quy hoạch chức năng vị trí đó để làm đấu giá.

Sống thấp thỏm ở chung cư Vĩnh Hội Dù biết nơi ở của mình xuống cấp nghiêm trọng, các hộ dân ở chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP.HCM) vẫn chưa muốn di dời vì cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng.

Đánh cược mạng sống trong chung cư 'chờ sập' Nhiều hộ dân tại chung cư G6A Thành Công (Hà Nội) không muốn di dời vì chưa thỏa mãn về cơ chế đền bù. Ở các tòa khác, nhiều người phải thuê nhà vì căn hộ xuống cấp nghiêm trọng.

Vân Trang - Ngọc Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-tram-nguoi-cho-duoc-doi-khoi-chung-cu-co-nguy-co-sap-o-tphcm-post1401943.html