Hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng sẽ được miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành?
Bộ Tài chính đề xuất miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử có giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng nhưng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng tình.

Cân nhắc việc miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng
Bộ Tài chính đang đề xuất cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân.
Theo VCCI, quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu), tuy nhiên quy định này có thể tạo ra lỗ hổng chính sách.
“Việc áp dụng ngưỡng 1 triệu đồng gần như không có tác dụng đáng kể nào khi phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp. Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa TMĐT sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước”- VCCI cho biết.
Theo VCCI, với hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, thông tin về người bán (kể cả người bán nước ngoài) rõ ràng hơn nhiều so với người mua, kiểm soát bởi sàn thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, do thói quen mua sắm dựa vào đánh giá và độ tin cậy, đơn hàng thường tập trung vào một số lượng người bán nhất định, giúp việc giám sát tập trung và hiệu quả hơn.
Vì vậy, thay vì tiếp tục quản lý theo người mua, VCCI đề nghị Bộ Tài chính chuyển sang quản lý theo người bán.
Cụ thể là với người bán có số lượng đơn hàng nhỏ trong năm có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành;
Còn người bán có số lượng đơn hàng lớn sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép và kiểm tra chuyên ngành tương tự như cơ chế áp dụng trong hoạt động chuyển phát nhanh.
Theo VCCI, cơ chế này sẽ đồng thời đảm bảo quản lý theo rủi ro, theo đó, tập trung quản lý với các hàng hóa có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường.