Hàng nghìn Giấy phép lái xe, Giấy khám sức khỏe và nhiều giấy tờ quan trọng khác bị làm giả như thế nào?
Lực lượng Công an thu giữ hàng nghìn Giấp phép lái xe, Giấy khám sức khỏe, Chứng chỉ nghề, Căn cước công dân... mà các đối tượng làm giả để bán cho những người có nhu cầu...
Ngày 17/10, Cục An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có quy mô lớn tại TP Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước
Trước đó, ngày 5/10, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bắt quả tang 2 đối tượng Đ.D.A, M.V.P cùng quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang giao khoảng 200 bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ nghi làm giả cho đối tượng N.V.Đ tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Qua kiểm tra địa điểm sản xuất ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, lực lượng Công an đã thu giữ 2500 phôi bằng lái xe, hơn 10.000 tem các loại; 1 bộ máy vi tính để bàn; 1 máy in màu phun màu Epson N8050; 1 máy in thẻ nhựa HiTi để in bằng lái xe với 8 cuộn phim in, 1 thùng mực in màu, 1 thùng giấy tờ giả đã in xong, 1 thùng phong bì giấy in 2 mặt, 1 thùng hàng chuẩn bị giao đi với gần 200 bộ hồ sơ, giấy tờ giả.
Căn cứ lời khai của các đối tượng và các tài liệu điều tra, lực lượng Công an đã bắt giữ: Phạm Văn Thuấn (SN 1997), quê ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; nơi ở hiện nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Thuấn được xác định là đối tượng cầm đầu; Nguyễn Văn Đông (SN 1995), quê ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, nơi ở hiện tại là xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng đã thu giữ hàng chục thẻ ngân hàng, nhiều phôi và Giấy phép lái xe nghi giả, 5 điện thoại, 1 máy vi tính, 1 usb, 1 sổ ghi chép danh sách người mua giấy tờ giả trên toàn quốc.
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Nhận thấy việc làm giả các loại giấy tờ, bằng cấp khá dễ dàng, lại có nhiều người sẵn sàng mua để phục vụ mục đích cá nhân những loại giấy tờ như: giấy phép lái xe các loại, giấy khám sức khỏe, chứng chỉ nghề, căn cước công dân… nên đã tổ chức chạy quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội đồng thời nhắn tin vào các số điện thoại để tìm kiếm khách hàng; Nếu có người cần mua thì yêu cầu gửi thông tin cá nhân, các đối tượng sẽ sản xuất giấy tờ theo yêu cầu. Toàn bộ số giấy tờ giả này các đối tượng gửi qua đường bưu điện để chuyển cho khách hàng.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, các đối tượng đã sản xuất, bán và chuyển phát đến nhiều khách hàng trên toàn quốc khoảng 12.000 văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả thu lời số tiền gần 12 tỷ đồng.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.