Hàng hóa dịp Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Bảo đảm nguồn hàng và bình ổn giá cả là vấn đề trọng tâm trong điều hành thị trường vào dịp Tết. Ngay từ tháng 10, Bộ Công Thương đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương về chuẩn bị nguồn cung hàng Tết, triển khai các chương trình bình ổn thị trường để bảo đảm không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá, giúp người dân đón Tết vui tươi, an toàn.

Chủ động ngăn chặn tình trạng “khan hàng, sốt giá”

Ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho thấy, do Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 diễn ra sớm, chỉ cách Tết Dương lịch chưa đến một tháng, nên vào thời điểm này, hoạt động mua sắm hàng hóa của người dân đã bắt đầu sôi động. Hiện nay, tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, giỏ quà Tết, các thực phẩm thiết yếu, như: Nước mắm, dầu ăn, đường, sữa... được bày bán với nhiều mẫu mã, chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng qua internet ngày càng phát triển và là một kênh cung ứng hàng hóa khá đa dạng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sản phẩm được ưa chuộng là các loại thực phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hải: Ước tính, tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019). Ngoài việc chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, thành phố sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi...; tổ chức hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các điểm chợ hoa, cây cảnh... phục vụ nhân dân. Các điểm bán hàng bình ổn giá được niêm yết rõ ràng, doanh nghiệp cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết.

Nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào trong các tháng cuối năm. Ảnh: MINH HẠNH.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Công tác bình ổn cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn là một trong những vấn đề đặc biệt quan tâm đối với Bộ Công Thương. Dự kiến, sức mua hàng hóa vào dịp Tết năm nay tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường. Dự báo, giá các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 7-10%, riêng mặt hàng thịt lợn có thể tăng 10-15%, một số mặt hàng bánh, kẹo, rượu, bia tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Với sức mua dự báo tăng không quá cao (trừ mặt hàng thịt lợn) và sự chuẩn bị về nguồn hàng, phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán và giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn”.

Nỗ lực cân đối nguồn cung thịt lợn

Thông tin rõ hơn về việc bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thịt lợn, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Về tình hình nhập khẩu thịt lợn, theo đại diện Bộ Công Thương: Việc nhập khẩu thịt lợn trong các tháng cuối năm có chiều hướng tăng mạnh. Riêng trong tháng 11-2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15.000 tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11-2018. Để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ NN&PTNT trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.

Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm nhẹ. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn giá mặt hàng thịt lợn. Hệ thống siêu thị Big C đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết; Liên hiệp Hợp tác xã Thương Mại TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ bán giá thấp hơn so với thị trường… Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần lớn để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường

Dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trước tình hình này, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ QLTT yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh…

Phó cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, Cục QLTT TP Hà Nội kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất thường thu lợi bất hợp pháp, trà trộn đưa hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hang-hoa-dip-tet-nguon-cung-doi-dao-gia-ca-on-dinh-607050