Hàn Quốc tăng ngân sách phát triển ngành công nghiệp vũ trụ
Hàn Quốc đang chuyển hướng sang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vũ trụ để vươn tầm lên trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về lĩnh vực này.
Theo đó, Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol đã cam kết tăng ngân sách cho việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ lên hơn 1.500 tỷ Won (khoảng 1,14 tỷ USD) từ nay đến năm 2027.
Tuyên bố này đã được ông Yoon Suk-yeol đưa ra tại sự kiện ra mắt "Cụm công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc" tổ chức tại Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) ở thành phố Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang vào hôm 13/3.
Cụ thể, cụm công nghiệp vũ trụ là một dự án quan trọng thiết lập "hệ thống tam giác công nghiệp vũ trụ", trong đó tỉnh Nam Jeolla sẽ là trung tâm phát triển tên lửa đẩy, tỉnh Nam Gyeongsang sẽ tập trung vào vệ tinh và thành phố Daejeon sẽ đảm nhận vai trò về bồi dưỡng nhân tài.
Mục tiêu là thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ với sự dẫn dắt từ khối tư nhân. Theo cam kết của Tổng thống Yoon Suk-yeol thì Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng hạ tầng cơ bản cho ngành công nghiệp vũ trụ, đặc biệt là cơ sở thử nghiệm môi trường vũ trụ mà khối tư nhân khó có thể tự thiết lập.
Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ mở rộng quỹ đầu tư công - tư cho ngành công nghiệp vũ trụ và hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp vũ trụ toàn cầu.
Theo lộ trình phát triển, Hàn Quốc đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như hoàn thành sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2032 và sứ mệnh lên sao Hỏa vào năm 2045. Mục tiêu cuối cùng là đưa Hàn Quốc vào top 5 cường quốc công nghệ vũ trụ hàng đầu thế giới.
Mặc dù Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng tàu vũ trụ sản xuất nội địa nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước để nước này đạt được thành công trong lĩnh vực không gian.
Đạo luật đặc biệt về việc thành lập Cơ quan Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KASA) đã được quốc hội thông qua vào ngày 9/1/2024. Dự kiến đạo luật sẽ chính thức có hiệu lực vào khoảng tháng 5/2024 với KASA dự kiến ra mắt tại Sacheon, Nam Kyungsang.