Hàn - Mỹ nối lại tập trận, Triều Tiên có nổi giận?

Sau thời gian cố gắng trì hoãn để tránh gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, giới chức quốc phòng Hàn Quốc ngày 20-3 thông báo, nước này và Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc tập trận phối hợp quy mô lớn vào ngày 1-4 tới. Động thái này làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ phủ bóng lên các kế hoạch họp thượng đỉnh giữa Hàn-Triều và Mỹ-Triều. Tuy nhiên, Mỹ-Hàn đã quyết định rút ngắn thời gian tập trận chung.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đến Hàn Quốc tham gia cuộc tập Đại bàng non hồi năm 2017. Ảnh: Yonhap

Rút ngắn thời gian tập trận chung

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James N. Mattis cùng người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo "nhất trí nối lại các cuộc tập trận chung thường niên, trong đó có Đại bàng Non và Giải pháp Then chốt, vốn bị hoãn lại trong thời gian diễn ra Olympic. Các cuộc tập trận này dự kiến diễn ra ngày 1-4, với quy mô tương đương những năm trước". Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đưa ra một thông cáo báo chí có nội dung tương tự.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận chung bị trì hoãn giữa nước này với Mỹ sẽ bị rút ngắn xuống còn một tháng. "Cuộc tập trận Đại bàng non sẽ được tổ chức trong vòng một tháng trong tháng 4 tới vì thời gian trì hoãn do diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang và cũng do quân đội mỗi nước đều có lịch trình riêng". Năm ngoái, các cuộc tập trận Đại bàng non và Giải pháp then chốt được tổ chức trong vòng 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4-2017. Tuy nhiên, các cuộc tập trận năm nay bị trì hoãn để tránh trùng thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc hồi tháng trước. Ngoài ra, khung thời gian ngắn hơn cho thấy các cuộc tập trận có thể kết thúc vào trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un vào cuối tháng 5.

Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Triều Tiên được thông báo về lịch trình của các cuộc tập trận. "Các cuộc tập trận chung của chúng tôi nhằm mục đích phòng thủ và không có lý do gì để Triều Tiên coi đây là hành động khiêu khích", người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố. Ông Logan tiết lộ, 2 cuộc tập trận sắp tới sẽ có khoảng 23.700 lính Mỹ và 300.000 binh sĩ Hàn Quốc tham gia, bao gồm các bài tập trên thực địa và mô phỏng qua máy tính. Đây là các hoạt động đã được lên kế hoạch từ lâu và không nhằm mục đích đáp trả bất kỳ động thái cụ thể nào của Triều Tiên.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Mỹ không có kế hoạch đưa các vũ khí chiến lược như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân hoặc máy bay ném bom B-1B siêu âm đến Hàn Quốc trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tập trận. Mỹ từng đưa những vũ khí tối tân này đến tham gia các cuộc tập trận trước đây khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao. Choi Kang, Phó Chủ tịch Học viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết: "Đây là những cuộc tập trận nhẹ nhàng. Sắp diễn ra cuộc đối thoại nên họ đang thận trọng với điều đó".

Phản ứng nào từ Bình Nhưỡng?

Lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn phản đối các cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington, coi đây là hành động khiêu khích, làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Ngay sau khi Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố tạm dừng tập trận nhân dịp các sự kiện thể thao, Triều Tiên đồng ý tổ chức các cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc lần đầu tiên trong 2 năm qua và cử đoàn vận động viên tham gia Olympic mùa Đông. Những động thái này đã góp phần làm dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Choi cho rằng, Triều Tiên có thể phản ứng với cuộc tập trận lần này bằng cách đưa ra một bài bình luận chỉ trích nhẹ nhàng nhưng sẽ không thực hiện các vụ thử nghiệm vũ khí có thể làm gián đoạn những thành tựu ngoại giao gần đây của Bình Nhưỡng với Washington và Seoul.

Trong khi đó, dù các cuộc họp thượng đỉnh sắp tới làm dấy lên hy vọng về một bước đột phá tiềm ẩn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 20-3 khẳng định, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ không được nới lỏng cho đến khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể về giải trừ vũ khí hạt nhân của nước này. Bà cũng nhắc lại, Bình Nhưỡng sẽ không nhận được sự nhượng bộ nào nếu chỉ đơn thuần công khai đàm phán.

Bà Kang cũng cho rằng hiện không có đủ thời gian để đưa ra một lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân cụ thể trước cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ. Tuy nhiên, bà hy vọng lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ sẽ đạt thỏa thuận về đường hướng và khung thời gian rõ ràng cho việc loại bỏ các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_180578_han-my-noi-lai-tap-tran-trieu-tien-co-noi-gian-.aspx