Hải quân Mỹ thử nghiệm thành công 'sát thủ diệt S-400'
Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa chống bức xạ tầm xa AGM-88G Advanced Anti-Radiation Guided Missile-Extended Range (AARGM-ER), được thiết kế để phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, The Drive đưa tin.
Ấn phẩm lưu ý rằng trong các cuộc thử nghiệm, loại tên lửa trước đây được mệnh danh là “sát thủ” của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga, đã "đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra."
Tên lửa AGM-88G AARGM-ER đã được phóng vào ngày 19/7/2021 từ máy bay F/A-18E/F Super Hornet ở bãi thử Point Mugu gần bờ biển Thái Bình Dương nhưng đến nay thông tin mới được công bố.
Tên lửa AARGM-ER được phóng từ tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Ảnh: US Navy
Công ty Northrop Grumman chịu trách nhiệm phát triển loại vũ khí này cho biết các cuộc thử nghiệm đối với AGM-88G AARGM-ER diễn ra trước dự định 3 tháng. Cuộc thử nghiệm được thực hiện lần này nhằm để kiểm định tính đúng đắn của các giải pháp thiết kế được sử dụng để chế tạo tên lửa.
Đại úy Alex Dutko thuộc Hải quân Mỹ khẳng định: Vụ thử là "một bước đi quan trọng tiến tới việc cung cấp cho hải quân hệ thống vũ khí hiện đại nhất để chống lại mối đe dọa từ các loại tên lửa đất-đối-không đang được phát triển".
Vào tháng 5, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm loại tên lửa này lần đầu tiên. Trong quá trình thử nghiệm, tiêm kích F/A-18E Super Hornet mang theo nguyên mẫu AGM-88G AARGM-ER. Tên lửa lần đầu tiên được đưa lên trên không đã không được phóng ra. Mục đích của lần thử nghiệm đó là để kiểm tra sự phối hợp hoạt động của các hệ thống máy bay và tên lửa.
AGM-88G AARGM-ER là biến thể được phát triển từ dòng tên lửa chuyên diệt radar AGM-88 được chế tạo từ năm 2015, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023.
Vũ khí này nằm trong bộ 3 tên lửa của Mỹ được thiết kế để đối phó với radar trên hạm và những hệ thống phòng không tối tân như ‘rồng lửa’ S-400 của Nga, hệ thống A2AD (chống tiếp cận/từ chối khu vực) của Trung Quốc,…
Để tăng độ chính xác khi diệt mục tiêu, tên lửa AARGM-ER được tích hợp hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM.
Hệ thống được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU giúp nó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa.
AARGM-ER dự kiến có tầm bắn lên tới 300 km và tốc độ Mach 4. Ngoài khả năng tấn công hệ thống phòng không, nó còn có khả năng tấn công các mục tiêu nhạy cảm với thời gian như xe phóng tên lửa hành trình và xe phóng tên lửa đạn đạo. Nó cũng đã được Không quân Mỹ lựa chọn làm vũ khí tấn công tầm xa (SiAW).
Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, việc đánh chặn tên lửa AARGM-ER là gần như không thể.
Mỹ tin rằng, AARGM-ER là một trong những vũ khí tối quan trọng trên chiến trường, nó giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của Quân đội Mỹ trước hệ thống phòng không của kẻ địch.