Hà Nội yêu cầu nhà ở hộ gia đình phải có lối thoát nạn thứ 2

Thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2 trong giai đoạn 2025-2030.

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy (PCCC), chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô từ năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng 80 làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo thống kê trong 10 năm (2014 - 2023), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 sự cố cháy nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà dân).

Đặc biệt, số liệu của Công an thành phố Hà Nội cũng cho thấy, chỉ trong 6 tháng năm 2024 đã xảy ra 594 vụ cháy, làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó 4 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng...

Nguyên nhân các vụ cháy được xác định do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hơn 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác.

Trong khi đó, qua rà soát, toàn thành phố còn gần 3.000 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Hầu hết các cơ sở đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng trên 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm ... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành).

Cho ý kiến tại kỳ họp, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, nhà dân nằm sâu trong ngõ, ngách là thách thức rất lớn đối với lực lượng PCCC và CNCH. Theo bà Hằng, việc thành phố ban hành đề án trên là rất cần thiết, đặc biệt khi đã nêu kinh phí để thực hiện các mục tiêu trong đề án lên đến 26.000 tỷ đồng.

Còn Phó trưởng Ban Đô thị của HĐND thành phố Trần Hợp Dũng nhấn mạnh công tác PCCC là vấn đề cấp bách trên địa bàn Thủ đô hiện nay. Do đó, thành phố cần có giải pháp để khắc phục tình trạng nhà dân xây dựng trong các ngõ, ngách khiến lực lượng và phương tiện PCCC khó tiếp cận khi xảy ra sự cố.

Để khắc phục các bất cập nêu trên, đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đặt mục tiêu vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu tất cả nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu UBND cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn về công tác PCCC trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC theo quy định.

Đặc biệt chú trọng xử lý dứt điểm tình hình vi phạm về PCCC tại những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như chung cư mini, nhà trẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội đề nghị toàn thành phố 100% nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng hoặc 25m trở lên, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cao từ 3 tầng hoặc khối tích từ 1.500m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ; khuyến khích các nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn lại trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ.

Ngoài ra, Hà Nội cũng rà soát, thống kê di dời các cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản, các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp) ra khỏi khu vực nội thành, bố trí vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đến năm 2025, trên tất cả các địa bàn của thành phố không còn tình trạng công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ha-noi-yeu-cau-nha-o-ho-gia-dinh-phai-co-loi-thoat-nan-thu-2-d112872.html