Hà Nội - Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

Thủ đô Hà Nội - đô thị đặc biệt đã trải qua lịch sử phát triển với bề dầy truyền thống và những dấu ấn không phai. Đặc biệt, sau khi thực hiện chủ trương lớn về mở rộng địa giới hành chính, thực hiện tốt công tác quy hoạch, Hà Nội bước đầu tạo ra được diện mạo của một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Quy hoạch đi trước một bước

Kể từ 1954 đến nay, Hà Nội đã 7 lần được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng. Mỗi quy hoạch đều thể hiện rõ vai trò là định hướng phát triển, là công cụ để quản lý trong từng giai đoạn. Công tác quy hoạch luôn được Nhà nước, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội xác định là công tác quan trọng, thường xuyên được quan tâm và luôn đi trước một bước. So với cả nước thì công tác quy hoạch của Thủ đô đã thực sự phát huy được vai trò, góp phần tạo được sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế - văn hóa.

Sau gần 3 năm nghiên cứu, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Để cụ thể hóa quy hoạch chung Thủ đô, hơn 160 đồ án quy hoạch các loại từ quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành và nhiều quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... đã được phê duyệt. Đây là trọng trách, là thách thức lớn cả về lượng và chất trong giai đoạn 2010 - 2015.

Nhiều khu vực đã có quy hoạch xây dựng từ 10 - 15 năm trước, hiện nay đã được nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh theo định hướng phát triển mới để phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt như: Khu vực Hồ Tây, quy hoạch Khu trung tâm Chính trị Ba Đình, quy hoạch bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa, khu di tích trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long, khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, quy hoạch chuyên ngành về nghĩa trang, quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ TP... Chỉ với một số minh chứng cụ thể như trên cho thấy giai đoạn 2010 - 2015 đã thực sự tạo được đột phá về quy hoạch, không chỉ với số lượng lớn mà còn cả về đổi mới chất lượng.

Bên cạnh việc quan tâm đến đồ án quy hoạch còn phải kể đến kết quả trong xây dựng văn bản pháp luật, quy chế quản lý như: Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc chung của Hà Nội, quy chế quản lý khu phố cổ (ban hành tháng 11/2013 thay thế cho quy chế đã ban hành gần 15 năm), quy chế quản lý khu phố cũ ban hành tháng 8/2015.

Trao đổi với báo giới mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thực tế phát triển của Hà Nội 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử cũng như ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Phó Thủ tướng đánh giá rất cao tinh thần nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã bám sát những chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới Hà Nội cần tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch bảo đảm đồng bộ, hiện đại, ổn định và lâu dài. Trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, ngành, lĩnh vực và địa phương. Đặc biệt, Hà Nội cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp để đẩy mạnh hơn công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm.

Cơ bản phủ kín quy hoạch

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình số 06-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015” và Chương trình 07-CTr/TU về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 - 2015” của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội đã lập, thẩm định và phê duyệt một khối lượng quy hoạch khổng lồ cả về chất và lượng. Việc phủ kín quy hoạch là cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền quản lý theo quy hoạch, đồng thời là cơ sở để cấp phép đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, trong giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội đã phê duyệt 18/31 đồ án quy hoạch chung; đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 35 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó 16 đồ án đã được UBND TP phê duyệt, 19 đồ án còn lại cơ bản hoàn thành và sẽ được trình duyệt trong năm 2015; khoảng trên 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường đã được thẩm định phê duyệt. Ngoài ra, các thiết kế đô thị cũng được triển khai làm cơ sở để quản lý, cấp phép xây dựng.

Cùng với đó Hà Nội đã phê duyệt, ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung TP, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, khu phố cũ; quy chế quản lý tầng cao trong khu vực nội đô lịch sử đã hoàn chỉnh chuẩn bị ban hành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy chế các quận, thị trấn, các khu vực đặc thù khác và quy chuẩn tại 4 quận nội đô lịch sử.

Hà Nội đã phê duyệt 30/30 đồ án quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); 6 quy hoạch phát triển ngành và 29 quy hoạch điện lực các quận, huyện.

Ngoài ra, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2012, Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt 401/401 quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Tính đến tháng 3/2015 đã có 109/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Bùi Mạnh Tiến - Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, để quy hoạch đi vào thực tiễn, sớm được triển khai cần có cơ chế chính sách thực hiện phù hợp và đồng bộ; đồng thời có kế hoạch quy hoạch, xây dựng công cụ quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý phát triển phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nguồn lực đầu tư.

Quốc Bình

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ha-noi-thu-do-xanh-van-hien-van-minh-hien-dai.html