Hà Nội sẵn sàng nguồn hàng ứng phó bão số 3
Trước thông tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, ngày 22/7 cơn bão số 3 với tên gọi Wipha đổ bộ vào đất liền gây mưa to trên diện rộng, người dân Thủ đô đã đẩy mạnh dự trữ thực phẩm. Để ngăn chặn tăng giá đột biến, hệ thống bán lẻ Hà Nội đã tích cực dự trữ đảm bảo không thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu.
Người dân dự trữ hàng hóa
Trong đầu giờ sáng 22/7, người dân Thủ đô vẫn hối hả ra hệ thống chợ truyền thống mua rau xanh, thực phẩm tươi sống.
Chị Hồng Hà (Ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng) cho biết, từ 7 giờ sáng ra chợ gần nhà để mua thực phẩm nhưng gần như không còn rau, thịt cá để mua khi nhiều sạp kinh doanh mặt hàng này đã hết hàng, nên phải đi 2 chợ mới mua được hơn 1 kg thịt.

Người dân mua rau xanh tại chợ Nghĩa Tân dự trữ trước khi bão số 3 tràn về Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế, tại chợ Nghĩa Tân (phưỡng Nghĩa Đô) cho thấy, từ sáng sớm, mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, cá nhất là rau xanh đã được người tiêu dùng mua với số lượng lớn, người đi chợ muộn mất cơ hội mua hàng. Sức mua tăng mạnh khiến giá bán tăng, chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương kinh doanh nông sản tại quầy H02 chợ Nghĩa Tân chia sẻ, sức mua tăng mạnh nên giá bán mặt hàng rau củ, thịt cá hiện tăng hơn bình thường khoảng 20-30%. “Bình thường 1 mớ rau muống, mùng tơi chỉ 5000-7000 đồng/mớ nhưng hiện giá bán lên đến 8.000-9000 đồng/mớ”-chị Lan thông tin.
Không chỉ hệ thống chợ truyền thống mới đông người mua sắm mà tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng đông khách. Thông tin từ siêu thị Go! Thăng Long cho thấy, từ ngày 21/7, sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại siêu thị đã tăng mạnh, trong đó, rau xanh là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất..

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Winmart . Ảnh: Hoài Nam
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ chiều ngày 21 /7, sức mua mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh tăng 30% so với ngày thường. Trong khi đó, đại diện AEON Việt Nam thông tin, tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng 20% so với ngày thường.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ hàng hóa
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, trong đó chú trọng tới mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh.
Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, hệ thống đã tăng cường nguồn lực đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là các trung tâm ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ. Với nhóm hàng rau củ quả, MM Mega Market đã làm việc với nhà cung cấp để tăng số lượng lên gấp 1,5 lần so với thường ngày; nhóm thực phẩm khô đủ đáp ứng nhu cầu đột biến tăng 2,5 lần…
Tương tự, đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam (sở hữu chuỗi siêu thị GO!, Tops Market…) cho hay, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung hệ thống siêu thị đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu, đa dạng nguồn hàng, nguồn cung, giá bán được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, Central Retail Việt Nam cũng tập trung dự trữ một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần.

Người dân mua rau xanh dự trữ trước khi bão số 3 đổ bộ (chiều 21/7) tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Chia sẻ về việc dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng thông tin, từ ngày 19/7, toàn bộ siêu thị Co.opmart tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang đã được đặt vào trạng thái sẵn sàng cao nhất. Lượng hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, trứng, thịt, rau củ, nước uống, sản phẩm vệ sinh đã được tăng dự trữ gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Đặc biệt, nhằm tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, Saigon Co.op đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp chiến lược và nguồn nguyên liệu tại chỗ để tăng dự trữ lượng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, gia cầm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2025.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu trong 7 ngày gồm lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí 122,7 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp tham gia, tự chủ về tài chính để chuẩn bị nguồn hàng theo kế hoạch của UBNDTP Hà Nội.
Ngoài các mặt hàng phục vụ cứu trợ khẩn cấp, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai, TP Hà Nội còn dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: áo mưa, ủng cao su, đèn pin, pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng, thuốc y tế…
Song song với việc chuẩn bị hàng hóa cứu trợ, nhằm hạn chế tăng giá đột biến và hỗ trợ người dân trong điều kiện khó khăn, TP Hà Nội cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2025 với 13 nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thịt, thủy hải sản, rau củ quả, dầu ăn, trứng, sữa trẻ em, đường, nước giải khát…

Người dân mua thực phẩm tươi sống tại chợ Nghĩa Tân trước khi bão số 3 tràn về Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi từ hệ thống ngân hàng, được cấp phép vận chuyển hàng hóa vào nội đô trong giờ cao điểm khi thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Các đơn vị liên quan như Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố… sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc huy động lực lượng, đảm bảo phương tiện vận chuyển và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Phương án cũng đề ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự trữ bằng việc tạo cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu và được ưu tiên trong các chương trình phân phối hàng hóa của TP Hà Nội. Đồng thời doanh nghiệp phải tuân thủ cam kết về chất lượng, số lượng hàng hóa, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và chủ động phối hợp lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ cứu trợ.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần chủ động cao, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân của Hà Nội năm 2025 là bước đi cần thiết và kịp thời, của chính quyền TP Hà Nội tới đời sống người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-san-sang-nguon-hang-ung-pho-bao-so-3.779124.html