Hà Nội nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục

Từ ngày 1/7, TP Hà Nội vận hành chính quyền địa phương 2 cấp với 126 xã, phường.

Cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Cô và trò Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Sau sáp nhập, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không còn tồn tại phòng GD&ĐT, cơ quan tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn trong hệ thống giáo dục. Chính quyền cấp xã đã phải rất nỗ lực tiếp quản các chức năng, nhiệm vụ của phòng GD&ĐT trước đây trong các hoạt động chuyên môn.

Kết nối nhà trường và chính quyền địa phương

Từ ngày 1/7, TP Hà Nội vận hành chính quyền địa phương 2 cấp với 126 xã, phường. Đặc biệt, việc xóa bỏ cấp quận, huyện đã xóa bỏ phòng GD&ĐT, đơn vị quản lý chuyên môn tại các cơ sở. Với hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, phòng Văn hóa xã hội cấp cơ sở sẽ thực hiện chức năng này.

Bà Trịnh Ngọc Trâm - Phó Chủ tịch phường Cửa Nam, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, cho biết: Phường Cửa Nam có hệ thống giáo dục gồm 10 trường công lập từ mầm non đến THCS, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Từ khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, các trường học đã nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo ổn định, không gián đoạn. Việc chuyển các trường học về cấp phường sẽ giúp quản lý và kiểm soát cơ sở giáo dục tốt hơn, nâng cao chất lượng và tổ chức hoạt động giáo dục.

Đặc biệt trong thời điểm chuyển giao, các trường vẫn thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, mang lại sự hài lòng cho phụ huynh, học sinh. Với sự chủ động trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và đồng thuận từ cơ sở, ngành Giáo dục từng bước thích ứng với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bà Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (Vĩnh Hưng, Hà Nội) cho biết, trước đây nhà trường thuộc địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Từ 1/7, trường thuộc phường Vĩnh Hưng. Khi vận hành chính quyền hai cấp, lãnh đạo phường đã tổ chức gặp mặt, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn và đều khẳng định giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm.

Bà Đào Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND phường Tương Mai cho biết, dân số của phường trên 136.000 người, trên địa bàn có 27 trường học (mầm non, tiểu học và THCS), số lượng học sinh các cấp học rất lớn. Dù chính quyền vừa được thành lập và đi vào hoạt động nhưng UBND phường đã sớm có chỉ đạo công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo đúng tinh thần phục vụ nhân dân.

Bà Hoàng Thu Trang, trước đây là chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, hiện chuyển công tác về Phòng Văn hóa xã hội phường Hoàng Liệt (Hà Nội), chia sẻ: Việc chuyển chức năng quản lý giáo dục của phòng GD&ĐT về cấp phường sẽ giúp nhà trường gần hơn với chính quyền địa phương. Nhà trường và chính quyền cơ sở có kết nối chặt chẽ trong việc xây dựng nâng cao chất lượng giáo dục.

 Lãnh đạo phường Cửa Nam (Hà Nội) kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường học. Ảnh: Vân Anh

Lãnh đạo phường Cửa Nam (Hà Nội) kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường học. Ảnh: Vân Anh

Không gián đoạn hoạt động chuyên môn

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2,3 triệu học sinh thì các phòng GD&ĐT luôn là mắt xích quan trọng trong việc duy trì chất lượng giáo dục nhiều năm qua.

Các phòng làm nhiều việc như tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, phong trào nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm...

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, theo đó, phòng GD&ĐT sẽ không còn là cơ quan chuyên môn trực tiếp chỉ đạo các nhà trường. Điều này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong công tác quản lý, điều hành ngành Giáo dục, hướng đến tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Phòng GD&ĐT sẽ khép lại sứ mệnh của mình với những dấu ấn khó quên. Ngành GD-ĐT các phường, xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới sáng tạo và hội nhập mạnh mẽ. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với chính quyền các phường, xã để đảm bảo các hoạt động chuyên môn không bị gián đoạn. Các hội thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo vẫn được duy trì và phát triển.

Trước thời điểm sáp nhập với thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương có 740 trường mầm non, tiểu học, THCS, liên cấp tiểu học và THCS công lập, 41 trường THPT công lập và công lập tự chủ, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Ông Lương Văn Việt (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương) Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, cho biết: Triển khai chính quyền địa phương hai cấp, các trường được chuyển giao nguyên trạng, bảo đảm không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Khi chuyển về UBND cấp xã quản lý, sở GD&ĐT vẫn trực tiếp hướng dẫn, quản lý về mặt chuyên môn và đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới phương thức quản lý để đáp ứng nhu cầu trong tổ chức bộ máy mới, đơn vị hành chính mới. Các hoạt động chuyên môn vẫn được duy trì và phát triển.

Để các hoạt động giáo dục không bị gián đoạn trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát kỹ các nhiệm vụ quản lý giáo dục. Việc phân định cần rõ ràng giữa cấp tỉnh và cấp xã. Các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục phải bảo đảm thông suốt, ổn định. Tránh mọi tác động làm xáo trộn đến người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Bộ GD&ĐT yêu cầu giao các nhiệm vụ chuyên môn như quản lý nhân sự, ngân sách, biên chế, vị trí việc làm cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Sở GD&ĐT là đơn vị chủ trì thực hiện, điều này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh chia cắt, gián đoạn trong toàn hệ thống. Việc tuyển dụng, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ giáo viên phải được thực hiện tập trung tại cấp tỉnh, đây là cách để xử lý hiệu quả tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, đồng thời, giúp cân đối nhân lực trong toàn ngành.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương cần giao đầu mối quản lý giáo dục cho cấp có đủ năng lực. Năng lực ở đây bao gồm nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất. Nhiệm vụ chuyên môn phải giao cho sở GD&ĐT. Nhiệm vụ hành chính, quản lý theo địa bàn có thể phân cho cấp xã, tuy nhiên, cần gắn phân cấp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả giáo dục tại chỗ.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-no-luc-duy-tri-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post740160.html