Hà Nội: Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn - Người 'ghép' mảnh đầu tiên cho dòng tranh gốm mosaic

Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm gốm sứ khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Tâm huyết với dòng gốm sứ xây dựng mà đặc biệt là tranh gốm ghép mảnh (mosaic) nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, phát triển dòng tranh gốm sáng tạo này.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống gốm sứ Giang Cao (Bát Tràng), nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn (sinh năm 1970) từ sớm đã nhuần nhuyễn những bước để tạo ra một sản phẩm gốm sứ hoàn thiện. Với suy nghĩ, “mình có kỹ năng làm nghề và mình phải làm thế nào để có thể tạo ra lợi nhuận từ đó?” Từ đó, ông bắt đầu chuyển hướng sản xuất gốm sứ xây dựng. Ông mạnh dạn đầu tư một lò nung ga hiện đại để phục vụ cho sản xuất.

Quá trình chuyển đổi làm nghề cũng gặp không ít khó khăn, ông Sơn tâm sự, “Những mẻ chậu, ngói đầu tiên cho vào nung đều phải đổ bỏ. Do mình chưa điều chỉnh được nhiệt độ nung hợp lý, có mẻ nung bị bể do quá lửa, có mẻ chưa đủ lửa, các sản phẩm dính hết vào nhau”.

Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn (Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Không ngừng thử sức ở các sản phẩm gốm sứ xây dựng để bắt kịp thị trường, trải qua những lần đổ bỏ toàn bộ do sản xuất chưa có kinh nghiệm nên ông đã tìm ra phương pháp nung làm sao có thể thành công giao đi đơn hàng. Đến hôm nay, khi nhắc lại quá trình đó ông Sơn vẫn không khỏi tự hào, những viên ngói âm dương phủ màu lưu ly đó trở thành một phần của khu du lịch Làng Thụy Sỹ nổi tiếng ở Phan Thiết.

Dù đã có được thành công với dòng gốm sứ xây dựng nhưng ông Sơn vẫn trăn trở, vẫn chưa thể có những những sản phẩm thỏa sáng tạo, thỏa đam mê. Vì vậy, ông tìm hiểu, nghiên cứu về các dòng gốm sứ, đặc biệt là tranh gốm ghép mảnh (mosaic), đem nó ứng dụng vào các tác phẩm gốm sứ của mình. Ông Nguyễn Quý Sơn hào hứng cho biết: “Tôi cảm thấy rất thích thú với những gì mình đã tìm thấy và tôi đã làm 1 con cá đầu tiên, khoảng 5000 viên gốm, ghép lại bằng những mảnh gốm và mỗi mảnh gốm lại là 1 màu men. Tôi làm trực tiếp từ đất gốm, tự cắt, tự định hình và sắp xếp thành bức tranh. Và tôi đã thành công, từ đam mê”.

Nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn tại xưởng sản xuất gốm sứ mosaic

Đây được coi là bước đi táo bạo, bởi khi đó ở Bát Tràng chưa ai dám thử sức với dòng sản phẩm sáng tạo này. Nhưng ông Nguyễn Quý Sơn dám làm và đã làm được điều đó bằng niềm đam mê sáng tạo của mình.

Tranh ghép mảnh mosaic nghệ thuật của ông Nguyễn Quý Sơn đi vào thực tế, những ngày đầu, sản phẩm được trưng bày ở showroom gốm sứ Quang Minh số 72 Giang Cao, Bát Tràng. Những sản phẩm đó nhận được rất nhiều sự yêu mến của khách đến thăm quan mua sắm.

Tranh gốm ghép mảnh làm vì đam mê nhưng đó cũng là một cơ duyên. Ông có gặp gỡ và hợp tác với nhà báo Nguyễn Thu Thủy - chủ nhân của ý tưởng Con đường gốm sứ, hoàn thành công trình nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Công trình hoàn thành đã trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô khi được ghi danh vào kỷ lục Guinness là “Bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”. Và đây cũng chính là bước chuyển lớn để mọi người biết đến Nguyễn Quý Sơn, biết đến tranh ghép gốm mosaic nghệ thuật, cũng là nguồn động lực lớn để ông tiếp tục phát triển dòng sản phẩm này.

Ông tiếp tục tham gia thiết kế, sản xuất một số bức tranh gốm trưng bày tiêu biểu như: Lá cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa, với diện tích 300m2; Tranh gốm 12 con giáp được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013; Phù điêu gốm sứ chiến dịch Tây Nguyên, họa tiết Tây Bắc có xác nhận của Cục chính trị quân khu 2 năm 2017…

Tác phẩm ghép gốm "Cánh buồm" tại Quảng trường Bình Minh (Cửa Lò, Nghệ An)

Tiêu biểu, ông đã lên ý tưởng thiết kế và thi công ngôi nhà Nhà gốm Quang Minh (Cụm làng nghề tập trung xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), lấy nghệ thuật mosaic làm chủ đạo. Nhà gốm Quang Minh có diện tích thiết kế lên đến 900m2, được sử dụng toàn bộ gạch trang trí bằng đá và tranh gốm mosaic. Trong ngôi nhà này, từng mảnh ghép đều được nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn nghiên cứu, mỗi mảnh gốm đều là một bài men riêng, được tính toán kỹ lưỡng, toát lên sự hài hóa, tinh tế của gốm mosaic. Đối với nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn, đây là một công trình chứa đựng tâm huyết, là nơi truyền lửa cho nguồn cảm hứng với gốm mosaic độc đáo mà ông theo đuổi.

Với những giá trị nghệ thuật và những ứng dụng của tranh gốm mosaic vào đời sống, tháng 10/2019 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings chính thức trao bằng xác lập Kỷ lục cho công trình “Nhà gốm Quang Minh” là công trình nhà ghép gốm mosaic lớn nhất Việt Nam.

Một góc công trình “Nhà gốm Quang Minh” - công trình nhà ghép gốm mosaic lớn nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Quý Sơn vinh dự nhận được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2013 cho những kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo, niềm đam mê với trang ghép gốm và tác phẩm có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao. Những sản phẩm gốm nghệ thuật của ông được ứng dụng rộng rãi vào các công trình kiến trúc Goldmark City Hồ Tùng Mậu, Khách sạn Lapis, The Golden Palm Ninh Bình,… Những sản phẩm sáng tạo được làm dựa trên chất liệu truyền thống nên các sản phẩm trang ghép gốm mosaic sản xuất ra không chỉ thu hút khách hàng trong nước mà cả khách nước ngoài yêu thích, sử dụng.

Đam mê sáng tạo, nhiệt huyết thành công và không dừng lại ở đó, nghệ nhân Nguyễn Quý Sơn chia sẻ ông sẽ tiếp tục truyền ngọn lửa của đam mê, yêu nghề cho những thế hệ kế cận; tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, quản trị doanh nghiệp để tạo ra những bứt phá dòng tranh ghép gốm mosaic. Giới thiệu rộng khắp sản phẩm ra thị trường, trở thành đơn vị dẫn đầu trong nước và trở thành đại diện của Việt Nam giới thiệu những sản phẩm tranh ghép bằng chất liệu gốm truyền thống sáng tạo nghệ thuật với bạn bè quốc tế.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-nghe-nhan-nguyen-quy-son-nguoi-ghep-manh-dau-tien-cho-dong-tranh-gom-mosaic-147751.html